7 giờ sáng, con đường làng ở xã Kỳ Tân (H.Tân Kỳ, Nghệ An) trở nên nhộn nhịp khi hàng trăm công nhân cùng đến nhà máy may mới mọc lên tại đây để làm việc. "Thu nhập không cao bằng ở Bình Dương, nhưng làm việc gần nhà rất tiện vì không phải thuê nhà và được sống gần người thân", chị Lê Thị Hiền (ngụ xã Kỳ Tân) nói.
7 năm trước, vợ chồng chị Hiền phải gửi con nhỏ nhờ bố mẹ chăm sóc để vào Bình Dương làm công nhân vì ở quê không có việc làm. Làm công nhân xa nhà, vợ chồng chị Hiền chỉ mong đến tết để trở về thăm con. Năm 2023, sau khi nhà máy may mọc lên ở gần nhà, chị Hiền về ăn tết và quyết định nộp hồ sơ xin việc vào nhà máy này. Tay nghề tốt nên chị được trả lương hơn 8 triệu đồng/tháng, ít hơn ở Bình Dương nhưng gần nhà nên chị Hiền cũng rất an tâm. Nhà máy này có quy mô 6.500 lao động, hiện có gần 1.500 công nhân làm việc.
Đây là một trong số hàng chục nhà máy may mặc, sản xuất giày da được các doanh nghiệp đưa về các vùng làng quê ở Nghệ An trong những năm gần đây. Nhà máy về làng đã tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người dân địa phương. "Trước đây, chúng tôi chỉ sống nhờ vào nông nghiệp, xong mùa màng là hết việc, nên phải ra bắc, vào nam tìm việc làm để mưu sinh. Cùng lắm mới phải xa quê, các doanh nghiệp đưa nhà máy về làng, chúng tôi rất thuận lợi vì vừa tranh thủ làm ruộng lấy gạo ăn, vừa làm công nhân để có thu nhập", chị Trần Thị Minh (ngụ xã Thanh Liên, H.Thanh Chương) chia sẻ.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay, Nghệ An có khoảng 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 257 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 176 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 15.567 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 350.000 người, trong đó doanh nghiệp FDI thu hút hơn 49.000 người, doanh nghiệp trong nước hơn 295.000 người. Tiền lương bình quân người lao động năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 7,05 triệu đồng/tháng.
Nghệ An "rải thảm" thu hút đầu tư từ 20 năm qua, nhưng hiệu quả chỉ rõ rệt trong những năm gần đây. Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh thu hút gần 1 tỉ USD vốn FDI. Năm 2023, nguồn vốn này tăng lên hơn 1,6 tỉ USD, xếp thứ 8 tỉnh, thành trên cả nước về thu hút FDI và năm 2024 là gần 1,7 tỉ USD.
Theo Sở LĐ-TB-XH, hiện mỗi năm các dự án đầu tư tạo 45.000 - 50.000 vị trí việc làm cho người lao động ở địa phương. Nghệ An có gần 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước, sau TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, trong đó có 2,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Từ một tỉnh thiếu việc làm, nay Nghệ An lại đang đối mặt với việc thiếu lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp khi việc tuyển dụng trong vài năm qua trở nên khó khăn.
Một nhà máy may mặc của Công ty May Minh Anh vừa đi vào hoạt động tại H.Con Cuông với quy mô 3.000 lao động. Nhà máy này đã tuyển dụng được 800 lao động người địa phương và đang cần tuyển gấp 600 lao động nữa để đáp ứng nhu cầu đơn hàng của đối tác. Dù đăng tuyển dụng 2 tháng qua nhưng nhà máy chỉ tuyển được chưa đầy 100 lao động. Một nhà máy may khác của doanh nghiệp này đặt ở H.Tân Kỳ đang cần tuyển thêm nhiều lao động nhưng cũng rất khó khăn trong tuyển dụng.
Các nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP 1 (H.Hưng Nguyên) và Khu công nghiệp WHA (H.Nghi Lộc) đang cần tuyển hàng ngàn lao động cũng gặp khó khăn. Năm 2023, Công ty Luxshare Nghệ An tuyển được 7.126 lao động nhưng có tới 3.793 người nghỉ việc. 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này tuyển được trên 9.800 lao động nhưng có 7.759 người nghỉ việc.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, năm 2024 có 641 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 63.963 lao động. Năm 2025, riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở tỉnh này cần tuyển khoảng 44.000 người.
Tìm cách níu chân người lao động
Số liệu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cho thấy, số lao động người Nghệ An đang làm việc có hợp đồng lao động ở xa quê khoảng 790.000 người, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài hơn 90.000 người, chưa kể số lượng khá lớn người đi lao động ở ngoài nước không có hợp đồng. Riêng năm 2024, Nghệ An có hơn 20.000 người đi xuất khẩu lao động, đứng đầu cả nước.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An khó hút được người lao động là mức thu nhập. Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện tiền lương, nhưng tổng thu nhập bình quân của người lao động hiện nay ở Nghệ An vẫn thấp hơn mặt bằng chung cả nước và thấp hơn cả 2 tỉnh lân cận là Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, cho biết rất cần thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp. Để giữ chân được người lao động và hút được người lao động Nghệ An đang làm việc tại các địa phương khác và ở nước ngoài về quê rất cần phải cải thiện thu nhập. Ngành chức năng ở Nghệ An đã đề nghị các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI cần tăng tiền lương, tăng chế độ trả giờ và các phúc lợi cho công nhân.
"Nguồn lao động có, nhưng tuyển dụng không được bởi lao động có xu hướng tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Hiện nhiều thị trường mở ra, thu nhập cao hơn so với trong tỉnh. Nơi nào có thu nhập cao, môi trường tốt, có các chế độ phúc lợi... thì lao động sẽ tìm đến", ông Quỳnh chỉ ra.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, 2 năm qua, Nghệ An có 22.481 lao động làm việc ở ngoại tỉnh về nộp hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa phương. Lao động làm việc ở ngoại tỉnh những năm gần đây có xu hướng dịch chuyển về quê để tìm kiếm việc làm, trong đó năm 2024, riêng lao động làm việc tại TP.HCM về Nghệ An là 850 người.
Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp để níu chân người lao động, trong đó có việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để kéo được công nhân từ các địa phương khác đến làm việc lâu dài.