Không dành cho sinh viên giàu có
Bloomberg Philanthropies, tổ chức từ thiện của tỉ phú Mỹ Mike Bloomberg, đầu tháng 7 thông báo đã quyên tặng 1 tỉ USD cho ĐH Johns Hopkins, ngôi trường đứng thứ 9 tại Mỹ theo bảng xếp hạng năm 2024 của tổ chức U.S. News & World Report. Động thái này nhằm tạo điều kiện cho hầu hết sinh viên bản địa và nước ngoài đi học miễn phí, thậm chí còn có cơ hội nhận thêm sinh hoạt phí.
Theo thông cáo từ ĐH Johns Hopkins, chính sách miễn học phí bắt đầu từ kỳ mùa thu 2024, áp dụng với sinh viên theo học chương trình bác sĩ y khoa (MD) đến từ gia đình có thu nhập dưới 300.000 USD/năm (7,6 tỉ đồng). Trường thậm chí còn tài trợ toàn phần (full ride), gồm cả học phí, sinh hoạt phí và các loại phí khác, cho sinh viên y khoa đến từ gia đình có thu nhập 175.000 USD/năm (4,4 tỉ đồng).
"Gần 2/3 số sinh viên y khoa đang học và sắp nhập học ở trường sẽ lập tức đủ điều kiện được miễn học phí hoặc có thêm sinh hoạt phí. Khoản tài trợ này còn dùng để tăng thêm hỗ trợ tài chính ở các ngành liên quan đến sức khỏe và những lĩnh vực khác", thông cáo nêu. Trong khi đó, ông Ron Daniels, Chủ tịch ĐH Johns Hopkins, khẳng định: "Loại bỏ rào cản tài chính sẽ mang lại lợi ích cho cả xã hội".
Ông Bloomberg, chủ nhân khoản quyên góp, nói thêm vào năm 2018, tổ chức của ông cũng đã quyên tặng 1,8 tỉ USD cho ĐH Johns Hopkins nhằm đảm bảo rằng từ thời điểm đó trở đi, sinh viên sẽ được chấp nhận nhập học bất kể thu nhập của gia đình họ ra sao. "Điều này giúp nhiều ứng viên đến từ các gia đình có thu nhập khiêm tốn như tôi ngày trước nhận được cơ hội như tôi đã từng", nam tỉ phú tự thân bộc bạch.
Ông Bloomberg là cựu sinh viên tốt nghiệp năm 1964 của ĐH Johns Hopkins; là người sáng lập tập đoàn công nghệ, truyền thông đa quốc gia Bloomberg L.P., tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies; và là thị trưởng thứ 108 của thành phố New York (Mỹ). Ông còn là chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Johns Hopkins từ 1996 đến 2002. Thuở thiếu thời, ông từng nhận học bổng để vào ĐH, theo tờ New York Times.
Vì sao trường y liên tục được tài trợ?
Y khoa luôn là một trong những ngành học đắt đỏ nhất nước Mỹ. Ở Trường Y khoa của ĐH Johns Hopkins, học phí mỗi năm là 64.665 USD và sau khi hoàn thành chương trình đào tạo dài 4 năm, sinh viên thường gánh khoản nợ khoảng 105.000 USD (2,6 tỉ đồng), theo số liệu năm học 2023-2024. Còn theo Hiệp hội các trường y khoa Mỹ, khoản nợ trung bình của sinh viên y khoa trên cả nước Mỹ là 200.000 USD (5 tỉ đồng).
"Có quá nhiều sinh viên đã từ bỏ giấc mơ học y chỉ vì học phí", ông Sanjay Desai, Giám đốc học thuật của Hiệp hội các trường y khoa Mỹ và là giảng viên ĐH Johns Hopkins chia sẻ với tờ The Washington Post.
Đây là tín hiệu đáng lo ngại, theo ông Desai, bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên đến từ gia đình có thu nhập thấp hơn khả năng cao sẽ quay lại phục vụ các cộng đồng thiếu thốn để làm bác sĩ. Chưa kể, bác sĩ có cùng hoàn cảnh với bệnh nhân cũng giúp cải thiện kết quả điều trị. "Tôi hy vọng khoản quyên góp sẽ truyền cảm hứng cho những người khác cùng chung tay hành động", nam giảng viên nói.
Tỉ phú Mike Bloomberg đồng quan điểm. "Nhiều sinh viên y khoa sau khi trúng tuyển phải bỏ học vì áp lực tài chính. Không ít người sau khi tốt nghiệp cũng chọn làm việc ở những chuyên ngành sinh lợi cao nhất để sớm trả xong nợ, thay vì gia nhập vào những lĩnh vực và ở những cộng đồng đang cần họ nhất", ông Bloomberg nhận định, nói thêm hiện có "quá ít" bác sĩ chăm sóc ban đầu (primary care) ở Mỹ.
Đó cũng là lý do chỉ vài tháng trước đó, bà Ruth Gottesman, cựu giáo sư Trường Y khoa Albert Einstein tại Bronx (Mỹ), đã làm nên lịch sử khi quyên góp 1 tỉ USD để đảm bảo từ nay, không sinh viên nào ở trường phải đóng học phí. Trước đó một năm, vào 2023, tỉ phú Kenneth G. Langone và vợ ông đã quyên góp 200 triệu USD cho Trường Y khoa Long Island của ĐH New York (Mỹ), cho phép trường này miễn học phí vĩnh viễn.
Anh Stefano Montalvo là một trong những sinh viên hưởng lợi từ khoản quyên góp năm 2018 của ĐH Johns Hopkins. Cậu học trò khi ấy không nghĩ rằng mình đủ khả năng tài chính để vào ĐH. Tuy nhiên, khi rời buổi tập điền kinh tại một trường trung học ở vùng quê New Jersey để xem mình có được nhận hay không, anh đã bị sốc khi thấy trường sẽ hỗ trợ gần như toàn bộ học phí.
"Tôi đã gọi cho mẹ để báo tin", anh nói, "và chúng tôi cùng khóc trên điện thoại".
Niềm vui được nhân đôi khi anh Montalvo tiếp tục được trường trang trải toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho 4 năm tới, thay vì phải vay nợ 400.000 USD như dự kiến. "Sự hỗ trợ này đã gieo hy vọng cho những sinh viên đến từ các gia đình có thu nhập thấp và tạo cơ hội cho các sinh viên này đến trường là "chìa khóa" để phát triển nền y học, chăm sóc sức khỏe, theo anh Montalvo.