Trong khi đó, tính chung toàn quốc, tỷ lệ HS nhập học khối ngành kỹ thuật năm 2023 chỉ bằng 1/3 khối ngành kinh tế - dịch vụ. Mặc dù điểm chuẩn các ngành kỹ thuật thấp hơn các ngành kinh tế, xã hội khoảng 4 - 5 điểm nhưng vẫn khó tuyển vì không có nhiều nguồn tuyển. Cả hai vấn đề sẽ dẫn đến "độ vênh" giữa nhu cầu nhân lực và nhân lực được đào tạo.
Vì sao HS chọn tổ hợp KHXH để thi tốt nghiệp ngày càng nhiều? Lý giải cho điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đề thi tổ hợp KHXH dễ có điểm cao hơn (phổ điểm các môn sử, địa, GDCD nhiều năm lệch về bên phải) nên có nhiều HS lựa chọn để dễ học và dễ có điểm cao. Thứ hai, việc tuyển sinh ĐH giao tự chủ cho trường nên có nhiều cách thức và nhiều tổ hợp môn xét tuyển. Đặc biệt là tuyển sinh sớm bằng học bạ, tuyển thẳng… Nhiều HS đã trúng tuyển ĐH sớm hoặc chọn con đường học nghề, xuất khẩu lao động… thường chọn tổ hợp KHXH để thi. Việc học các môn KHXH vẫn còn thiên về học thuộc, dễ học và thi hơn, trong khi các môn khoa học tự nhiên (KHTN) đòi hỏi phải có tư duy logic cao, kiến thức toán vững chắc…
Để khắc phục tình trạng mất cân đối giữa HS chọn các môn KHTN và KHXH để học và thi tốt nghiệp, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực, một trong những giải pháp quan trọng là thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là toán và văn, 2 môn HS tự chọn trong số các môn (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc, mỹ thuật).
Từ thực tế nhiều năm qua cho thấy để có sự hài hòa, cân đối việc chọn tổ hợp học ở cấp THPT và chọn môn thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục 2018, không thể một sớm một chiều mà trải qua quá trình lâu dài, với nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, việc ra đề thi (đã có điều chỉnh về dạng câu hỏi trắc nghiệm) cần phải có sự cân bằng độ khó giữa các môn KHXH và KHTN. Thứ hai, các trường ĐH cần sớm xây dựng phương án tuyển sinh với nhiều tổ hợp, có đầy đủ các môn học ở cấp THPT. Các trường ĐH kỹ thuật, các trường ĐH kinh tế xây dựng nhiều tổ hợp liên quan đến các môn lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhà nước, các trường ĐH có chính sách ưu tiên nhất định để khuyến khích HS theo học các ngành kỹ thuật và công nghệ. Các trường cao đẳng nghề và ĐH mở nhiều ngành nghề liên quan đến STEM, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…
Bộ GD-ĐT cần theo dõi, nắm rõ và điều chỉnh kịp thời nếu có sự chênh lệch quá nhiều giữa các môn thi. Các trường ĐH sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng ở tất cả các môn, nhất là KHTN và công nghệ.
Nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa nguồn nhân lực về kinh tế, dịch vụ và xã hội, gây lãng phí trong đào tạo.