Làm dự án, thiết kế mô hình, diễn kịch… là những cách dạy sử sáng tạo được thầy cô nhiều trường THPT tại TP.HCM áp dụng nhằm khơi gợi sự hứng thú, nâng cao kỹ năng cứng, mềm cho học sinh (HS).
Dạy lịch sử theo dự án là sáng kiến của thầy trò 9 trường THPT cụm 1 (Q.1, Q.3, TP.HCM). Trong buổi báo cáo dự án lịch sử Vietnam Heroic Legacy (Việt Nam anh hùng) vừa qua diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), HS được khoác lên mình trang phục thời xưa và tái hiện giai thoại lịch sử gắn liền với từng anh hùng dân tộc. Qua dự án này, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, hy vọng HS sẽ thấy lịch sử VN hấp dẫn và đa sắc màu, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu sử nhờ phương pháp giảng dạy mới.
Ngoài tiết mục văn nghệ, buổi báo cáo còn bố trí không gian trưng bày mô hình "handmade" sinh động. Trong đó, thầy trò Trường THPT năng khiếu thể dục thể thao (Q.1) đã mang đến những mô hình sa bàn "gói ghém" kiến thức, thể hiện tài năng thiết kế của HS. "Không còn thầy giảng trên bảng, trò ngồi dưới nghe, HS giờ đây có thể "bước ra ngoài" để hòa mình vào dòng chảy lịch sử", thầy Lê Văn Tấn, giáo viên bộ môn lịch sử Trường THPT năng khiếu thể dục thể thao, bày tỏ.
Xuất phát từ mong muốn HS khắc sâu kiến thức, cô Nguyễn Thị Hà Diễm, giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Q.5), đã yêu cầu HS thiết kế lịch để bàn theo chủ đề từng bài. Chẳng hạn, với chủ đề "Vang mãi bản hùng ca bất hủ" thuộc chương trình lịch sử 12, HS sẽ làm lịch về các mốc thời gian trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Mỹ của Quân đội nhân dân VN.
Ở tiết dạy khác, cô Diễm cập nhật xu hướng đan len của giới trẻ, khuyến khích HS đan móc khóa hình mũ tai bèo, chú bộ đội… Theo cô, việc tự mày mò để tạo ra vật dụng ý nghĩa như vậy sẽ giúp các em thích thú với bài học hơn.
Đề cao sức sáng tạo của học trò, thầy Chế Anh Thiện, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh), đã cho các em lên kịch bản, thuê hoặc tự thiết kế trang phục để diễn kịch. Sau mỗi vở diễn, thầy sẽ nhận xét và khái quát nội dung bài học. "Khi lịch sử trở thành môn bắt buộc và vị thế được nâng cao, trách nhiệm của giáo viên trong việc đầu tư, sáng tạo phải lớn hơn để HS hào hứng học tập", thầy Thiện chia sẻ.
KHÔNG CÒN LÀ MÔN HỌC "KHÔ KHAN"
Góp mặt trong tiết mục về Bác Hồ vào ngày diễn ra buổi báo cáo tại Trường THPT Lê Quý Đôn vào tháng 11 năm nay, Trần Huỳnh Minh Vy và Phan Thanh Hương (đều là HS lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Q.3) chia sẻ: "Tái hiện lịch sử trực quan là cách học thú vị, giúp chúng em chủ động tìm tòi kiến thức và "nhớ vanh vách" dữ liệu, thay vì học thuộc lòng một cách máy móc".
Trước đây, lịch sử đối với Vũ Phương Linh (HS lớp 11 Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) là môn khô khan với những mốc thời gian khó nhớ. Từ khi tiếp cận kiến thức theo cách mới là làm mô hình, thuyết trình, thiết kế poster và diễn kịch, cảm nhận của Linh và các bạn trong lớp về môn học đã thay đổi. Linh cho biết các hoạt động sáng tạo thường áp dụng cho tiết dự giờ hoặc thay thế bài kiểm tra 15 phút trên giấy. Nhờ vậy, tinh thần học tập và điểm số của HS đều được cải thiện.
ĐỂ HỌC SINH KHÔNG BỊ "NGỘP" TRƯỚC SỰ ĐỔI MỚI
Tuy nhiên, điều duy nhất khiến nhiều HS như Linh băn khoăn là làm sao để không "ngộp" với sự đổi mới. Chẳng hạn, Phương Linh thường cần 2 - 3 ngày để hoàn thành bài thuyết trình bằng PowerPoint. Nếu là hoạt động thiết kế sản phẩm, thời gian bỏ ra sẽ tăng gấp đôi. Có những ngày, các môn học đồng loạt kiểm tra, yêu cầu thuyết trình hoặc làm sản phẩm khiến Linh "vắt chân lên cổ mà chạy". "Sáng tạo cách học mới cũng hay, nhưng em chỉ muốn làm lúc rảnh để còn phân bổ thời gian cho các môn khác", Linh bày tỏ.
Hiểu điều này, cô Diễm đề xuất giáo viên không nên lạm dụng việc làm sản phẩm mà phải cân nhắc các yếu tố như mục đích, nội dung bài học, chi phí, khả năng hoàn thành của HS… Đồng quan điểm, thầy Thiện cho rằng giáo viên cần lên kế hoạch chi tiết trước mỗi tiết học, bao gồm phân công nhiệm vụ hợp lý và định hướng kiến thức cho các em.
Sau cùng, dù dạy học theo cách nào, các thầy cô nhận thấy mấu chốt vấn đề là thông qua môn lịch sử để giáo dục phẩm chất, tư tưởng học trò. Cụ thể, giáo viên phải định hướng đúng đắn, thổi hồn vào mỗi bài giảng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ lãnh thổ.
Về phía HS, thầy cô khuyến khích các em không chỉ học gói gọn trong tiết 45 phút mà cần kết hợp đọc thêm sách báo, tư liệu bên ngoài hay tham quan thực tế các di tích lịch sử để chủ động khơi gợi cảm hứng học tập, hoàn toàn "đắm mình" vào môn sử.