Giáo viên, học sinh và phụ huynh còn nhầm lẫn giữa giữa kiểm tra và thi là một trong những lý do khiến kỳ kiểm tra định kỳ trở nên nặng nề, áp lực.
Không ít phụ huynh cho biết, con cái họ học bài rất khuya, đến tận 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ và 6 giờ sáng phải thức dậy đi học. Đi trên đường, dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh ngủ gật sau lưng cha mẹ. Có em còn tranh thủ ăn xôi, bánh mì nhưng mắt vẫn không rời cuốn đề cương cầm trên tay.
Hiện nay, học sinh đang học 2 chương trình khác nhau, trong đó lớp 5, lớp 9 và lớp 12 vẫn học theo chương trình cũ. Cho dù học sinh đang học 2 chương trình nhưng đối với các kỳ kiểm tra, các em vẫn bị áp lực vì một số lý do khác nhau:
Thứ nhất, giáo viên, học sinh và phụ huynh vẫn còn nhầm lẫn giữa giữa kiểm tra và thi là một trong những lý do khiến kỳ kiểm tra định kỳ trở nên nặng nề, áp lực. Kiểm tra định kỳ bao gồm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ - chứ không phải là kỳ thi.
Các văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư 58, Thông tư 26, Thông tư 22 chỉ quy định các loại bài kiểm tra: kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ. Đối với học sinh phổ thông có 2 kỳ thi chính, đó là thi tuyển sinh vào 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, có một số cuộc thi, hội thi mang tính cạnh tranh thứ hạng như: thi học sinh giỏi văn hóa, cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi kể chuyện, thi văn nghệ, thi các môn thể dục thể thao… Các cuộc thi, hội thi là do học sinh hoàn toàn tự nguyện và chỉ các em có năng lực thì mới tham gia.
Thứ hai, Chương trình GDPT 2018 lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa vai trò của người học. Điều này dẫn đến hệ lụy là học sinh quá tải về học tập, bị áp lực rất lớn trong việc kiểm tra đánh giá.
Đáng nói, chương trình mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh với 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần phát triển cũng khiến học sinh phải căng mình học tập, làm các bài kiểm tra theo quy định.
Chẳng hạn việc kiểm tra, đánh giá của học sinh lớp 9 hiện nay chỉ xoay quanh vài ba tác phẩm đã được học. Nhưng, với các em lớp 10, lớp 11 thì buộc phải vận dụng tri thức ngữ văn để phân tích, đánh giá chủ đề và nghệ thuật của bài thơ lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Thứ ba, số bài kiểm tra theo quy định của Bộ GD-ĐT đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng vẫn gây áp lực cho học sinh về điểm số, tức là kết quả đánh giá. Chẳng hạn, điểm kiểm tra môn ngữ văn trước đây có 3-4 cột hệ số 2 nhưng bây giờ chỉ còn 1, buộc học sinh phải nỗ lực rất nhiều để được điểm cao.
Còn theo chương trình mới, môn ngữ văn lớp 10 có 4 cột kiểm tra, đánh giá thường xuyên (hệ số 1); 1 cột kiểm tra giữa kỳ (hệ số 2) và 1 cột kiểm tra cuối kỳ (hệ số 3). Vì vậy, các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, việc nhà trường chia phòng kiểm tra theo số báo danh, trộn đều học sinh các lớp với nhau cũng phần nào làm tăng áp lực với các em. Chưa kể, phòng kiểm tra thường có 24 học sinh, 2 giám thị coi thi, 1 giám thị hành lang, thanh tra kỳ kiểm tra cũng phần nào tác động đến sự căng thẳng của học sinh.
Thứ tư, về lý thuyết, việc kiểm tra ở các nhà trường phổ thông được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạo quy định.
Tuy vậy, thực tiễn dạy học cho thấy, hiện nay học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12) rất áp lực trước các kỳ kiểm tra định kỳ. Không ít trường phổ thông thường ra đề kiểm tra có độ khó tương đương với đề thi nhằm giúp học sinh làm quen với áp lực thi cử và cũng là cách để siết việc học tập của các em đi vào nền nếp.
Cùng với đó, việc học sinh phổ thông bị áp lực trong kiểm tra phần lớn là do phụ huynh và nhà trường quá đề cao điểm số. Phụ huynh thì mong muốn con em đạt điểm giỏi để có cái mà tự hào, hy vọng, còn nhà trường thì chung quy cũng từ bệnh thành tích mà ra.
Để góp phần giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên, phụ huynh cần hiểu được rằng, việc kiểm tra, đánh giá thực chất là hoạt động rất bình thường trong việc dạy và học ở các nhà trường phổ thông - hoàn toàn khác với các kỳ thi, có cạnh tranh thứ bậc cao, thấp, đậu hay rớt.
Nhà trường và gia đình cần chấm dứt việc chạy theo thành tích, đừng ép buộc học sinh đi học phải được xếp loại khá, giỏi vì năng lực của mỗi em là khác nhau. Các em sẽ thích thú khi được làm những điều yêu thích, trong học tập cũng vậy.
Phụ huynh cần khuyến khích, động viên con em dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí nhất là luyện tập thể dục thể thao sau những giờ học tập căng thẳng ở trường. Mỗi khi các em được tái tạo năng lượng thì việc học mới hiệu quả, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Nguồn: thanhnien.vn
Đang gửi...