Từ khi các lớp có treo bản đồ, tôi hướng dẫn các em tìm kiếm nhiều thông tin như số lượng tỉnh thành phố, diện tích, vị trí, giới hạn dân cư các đơn vị hành chính… của thủ đô Hà Nội, TP.HCM và cả tỉnh Đồng Tháp quê nhà. Bên cạnh đó, tôi còn yêu cầu các em xác định các quần đảo lớn, các đảo có vị trí chiến lược kinh tế quan trọng: Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ , Cồn Cỏ, Côn Đảo…
Ban đầu, tôi đề ra mức độ đơn giản là tìm kiếm, xác định tỉnh thành phố riêng lẻ; sau nâng dần lên theo khu vực kinh tế vùng miền…
Những tiết dạy của tôi không chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa mà còn kết hợp với việc giới thiệu các bài hát, bài thơ, hình ảnh về con người, văn hóa, ẩm thực của các nơi… Cứ như thế, với mỗi tỉnh thành tìm hiểu, các em được tăng dần hiểu biết. Chẳng hạn tìm hiểu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… để xác định chủ quyền biển đảo của dân tộc.
Những con số về dân cư, diện tích, kinh tế hành chính các tỉnh không còn khô khan mà trở nên cuốn hút vô cùng. Tôi rất vui khi thấy giờ nghỉ, nhiều HS quây quần bên tấm bản đồ VN đố nhau tìm ra những tỉnh thành phố thật xa với quê hương Đồng Tháp mãi biên giới phía Bắc hay ở cực Nam của đất nước; những hòn đảo, vũng, vịnh… có tự ngàn xưa và được thế giới biết đến như Hạ Long, Côn Đảo, Phú Quốc...
Đồng nghiệp cũng chuyển biến tích cực trong giảng dạy. Thay vì đợi nhà trường trang bị có thể mất thời gian, HS các lớp góp với nhau một ít tiền là đã đủ mua một tấm bản đồ về treo trên vách tường của lớp.
Bên cạnh việc treo bản đồ VN, tôi còn hướng dẫn HS sưu tầm ảnh đẹp quê hương, ảnh lãnh tụ, ảnh danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ để treo trong lớp.
Tôi nghĩ bài học lớn nhất là bài học yêu quê hương, xác định chủ quyền lãnh thổ, kính yêu tiền nhân là giá trị nhất.
Mới đây T.Ư Đoàn tổ chức cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" mà cụ thể là treo bản đồ VN tại nơi học tập, lao động, làm việc… nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào về toàn vẹn lãnh thổ trong mỗi người dân VN. Tôi rất vui và tin rằng cuộc vận động sẽ được hưởng ứng rộng rãi.