Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần giải quyết những vướng mắc của trường; nợ lương thì phải thanh toán, giải quyết nhưng giải quyết như thế nào đều phải có căn cứ.
"Việc nhà trường nợ lương người lao động 6 tháng liền có nhiều nguyên nhân. Hiện UBND tỉnh cũng đã báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, tiếp tục xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy tạm hoãn khấu trừ (nợ ngân sách - PV) của trường này trong 2 năm 2024-2025", ông Tuấn nói.
UBND tỉnh cũng vừa cấp hơn 1,2 tỉ đồng cho Trường CĐ Y tế Quảng Nam để tạm thời chi trả lương cho cán bộ, giảng viên và người lao động của nhà trường
"Vấn đề này (nợ lương của người lao động - PV) thì tỉnh rất trăn trở, UBND tỉnh sẽ giải quyết. Bởi ngôi trường này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nhân viên ngành y nên không thể không hoạt động, phải tiếp tục tồn tại. Mục tiêu của tỉnh sẽ xây dựng trường này thành trường chuẩn trong khu vực", ông Tuấn khẳng định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, tỉnh tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung chỉnh sửa lại Nghị quyết 36/2021/NQ-HĐND (quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương) trước đây, theo hướng có lợi nhất cho Trường CĐ Y tế để giải quyết các vấn đề bất cập, tồn tại trước mắt.
Cùng với đó, yêu cầu trường kiện toàn lại bộ máy, tổ chức để tinh gọn, phù hợp nhưng đủ sức đáp ứng phát triển trường trong thời gian tới.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, vào ngày 14.12, có 17 cán bộ, giảng viên Trường CĐ Y tế tỉnh Quảng Nam gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể tới lãnh đạo nhà trường.
Theo đó, 17 cán bộ, giảng viên của khoa Điều dưỡng và khoa Y tế cơ sở cho biết sẽ ngừng việc từ ngày 18.12 cho tới khi nhà trường giải quyết chế độ lương và phụ cấp. Sau đó, qua thảo luận tại các cuộc họp, thời hạn nghỉ việc được kéo dài đến ngày 31.12.
Theo các giảng viên, nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp trong thời gian 6 tháng, tính từ tháng 7.2023 đến nay. Các cán bộ, giảng viên vẫn cố gắng lên lớp vì không muốn ảnh hưởng tới việc học tập của sinh viên. Tuy nhiên, do thời gian nợ lương kéo dài, đời sống của nhiều cán bộ, giảng viên rơi vào cảnh rất khó khăn nên không thể tiếp tục công việc.
Tính đến nay, Trường CĐ Y tế tỉnh Quảng Nam nợ 6 tháng lương của 114 người lao động, với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn bị chậm đóng bảo hiểm nhiều tháng nay.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cấp hơn 1,2 tỉ đồng để Trường CĐ Y tế tạm thời trả lương cho cán bộ, giảng viên và người lao động.
Số tiền này được trích từ nguồn sự nghiệp đào tạo chưa phân bổ trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023 để đào tạo lưu học sinh Lào năm 2022.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết hơn 1,2 tỉ đồng được UBND tỉnh cấp sẽ được nhà trường dùng chi trả lương cho giảng viên của trường, trước mắt chi trả 1 tháng lương, còn lại sẽ đóng bảo hiểm. Trường tiếp tục chờ kinh phí của tỉnh hỗ trợ, sau đó thanh toán số tiền lương còn nợ của người lao động.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân khiến nhà trường nợ lương kéo dài là vì từ năm 2017 công tác tuyển sinh gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Năm nay, trường cơ bản đạt chỉ tiêu khi tỉnh giao (chỉ tiêu 200 sinh viên, tuyển sinh được 195 em).
Đáng chú ý, năm nay nhà trường được UBND tỉnh cấp cho 8,6 tỉ đồng nhưng đã bị giảm trừ mất 3,8 tỉ đồng vì nợ ngân sách các năm trước (do không đạt chỉ tiêu), vì vậy số tiền còn lại không đủ chi phí để trả lương.
Thêm một nguyên nhân khác là hiện nay toàn nhà trường có khoảng 500 sinh viên theo học, nhưng có đến 5/6 ngành được đưa vào diện độc hại nguy hiểm nên được giảm 70% học phí; chưa kể học sinh Lào theo học tại trường cũng đều miễn học phí.