Học y nhưng sức khỏe… nhiều khi không có
Thiếu hụt nhân lực điều dưỡng đang là thực trạng đáng lo ngại trên toàn quốc. Theo tin từ Hiệp hội điều dưỡng Việt Nam, nước ta có tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân thấp nhất, bằng 1/8 các nước phát triển. Còn theo ngành y tế TP.HCM, năm 2022 chỉ 781 sinh viên đăng ký học điều dưỡng tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), giảm 66% so với 2021, và đây là xu hướng chung ở các trường đào tạo ngành điều dưỡng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu nhân lực ở ngành điều dưỡng, theo sinh viên, là sự áp lực, vất vả trong quá trình học và làm nghề. Ở ngành điều dưỡng, sinh viên vừa học lý thuyết trên trường vừa thực tập lâm sàng tại các bệnh viện vào năm 3, năm 4. Thời gian trực tùy theo bệnh viện, trực theo giờ hành chính từ 7 - 16 giờ, trực đêm từ 16 - 7 giờ sáng hôm sau hoặc trực theo 3 ca 4 kíp.
Trần Lai Mỹ Duyên, sinh viên ngành điều dưỡng Trường ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ: "Có khi vừa đi lâm sàng, trực đêm ở bệnh viện thì qua hôm sau phải đi thi, mấy lúc đó áp lực, rụng tóc, mắt thâm".
"Học lý thuyết là có thể ai cũng học được, còn để thực hành được trên người bệnh là chuyện khác. Ban đầu hồi hộp lắm nhưng phải ráng bình tĩnh để làm cho đúng quy trình mà phải hiệu quả nữa. Nếu cứ thấy người bệnh là nhát tay hoài thì không giỏi nổi, nên phải vượt qua thử thách, có tinh thần thép, kiên nhẫn và nhất là không sợ máu", Duyên bộc bạch.
T.T.Đ, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thổ lộ: "Từ năm 3 tôi đã bắt đầu đi bệnh viện. Vừa đi thực tập và học kèm thi nên rất áp lực và mệt mỏi. Thêm nữa, vì không có kinh nghiệm, tôi cũng ngộp và hoảng vì môi trường làm việc đông đúc và khối lượng công việc tương đối nhiều". Thảo Ngọc, học cùng trường, tâm sự: "Chiều đi học, tối trực bệnh viên, sáng hôm sau đi thi là chuyện thường, có lúc vừa thi vừa trình bệnh án là xuyên đêm. Thật sự là sinh viên y nhưng sức khỏe nhiều khi không có".
Ngoài ra, Ngọc chia sẻ thêm về thời gian đầu đi lâm sàng, gặp trường hợp bệnh nhân qua đời, tâm lý cũng bị ảnh hưởng thời gian khá lâu. "Ở khoa ngoại chấn thương, những bạn không quen nhìn mấy vết thương quá lớn hay có mùi có khi còn ngất xỉu", nữ sinh viên chia sẻ.
Những áp lực xã hội
Thảo Ngọc cảm thấy nghề điều dưỡng rất giá trị, vì được học về cách chăm sóc và thấu hiểu người khác. Nhưng Ngọc cũng cho rằng thực tế xã hội không nhìn nhận xứng đáng giá trị đó, "bởi khối lượng công việc nhiều mà chế độ cho nhân viên lại thấp và đôi khi còn không được tôn trọng".
Chung quan điểm, Mỹ Duyên bộc bạch: "Ngành thường bị đánh giá thấp, mọi người hay nói học nghề này chi cho cực, lương ít, mà nếu nói vậy thì đâu ai mà chọn ngành này nữa".
N.T.M.D, sinh viên ngành điều dưỡng Trường ĐH Y dược TP.HCM, thì cho biết niềm vui là lúc trò chuyện cùng bệnh nhân, tâm sự từ chuyện bệnh đến ngoài đời. Song, D. cũng thấy buồn khi một số người "chê" ngành điều dưỡng. "Lúc về quê, khi biết mình học điều dưỡng, ai cũng nói ngành cực mà học làm gì. Tôi nghĩ chê cực rồi lấy ai chăm sóc người bệnh", M.D kể.
"Ai cũng nói ngành này dễ xin việc làm, chứ riêng tôi thấy cái gì cũng có cái khó riêng. Nhiều bạn cạnh tranh, nhiều bạn giỏi, nhiều bạn nắm bắt cơ hội nên cũng lo sợ", M.D nói thêm.
Lấy bệnh nhân làm động lực
Gần 13 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thanh Ngọc, điều dưỡng viên tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, nhận định áp lực công việc không chỉ bắt nguồn từ khối lượng công việc, lãnh đạo, quản lý, đồng nghiệp mà còn từ người bệnh cùng gia đình người bệnh. Áp lực còn đè nặng hơn nữa khi điều dưỡng viên phải chăm sóc người bệnh ung thư, bệnh lão, là những trường hợp bệnh lý nặng, hoàn cảnh khó khăn và dễ tổn thương.
Theo nữ điều dưỡng, các can thiệp chăm sóc điều dưỡng gồm chăm sóc sức khỏe, tinh thần, quản lý người bệnh và tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh. "Mỗi ngày tôi chăm sóc từ 4-6 người bệnh, các ngày trực thì số người bệnh tăng lên từ 6-8 người", chị Ngọc cho biết.
Theo chị Ngọc, nếu chọn công việc này thì phải thật sự yêu nghề để có thể gắn bó, tận tâm với nghề. "Hãy tìm hiểu kỹ, xin kinh nghiệm từ những người đi trước. Nếu đã chọn, hãy kiên trì với quyết định của mình. Bên cạnh đó, việc không ngừng học tập, nâng cao kiến thức không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người điều dưỡng", chị Ngọc nói.
"Nụ cười và sức khỏe của người bệnh là nguồn động lực giúp tôi chọn theo đuổi công việc này cho đến tận bây giờ", chị Ngọc nhấn mạnh.
Liên quan đến nhân lực ngành điều dưỡng, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương hôm 10.8 thông báo tuyển dụng 6 chỉ tiêu cho các vị trí điều dưỡng hạng III, hạng IV. Còn trong tháng 7, Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo tuyển dụng 631 chỉ tiêu cho các vị trí điều dưỡng, và Bệnh viện Mắt TP.HCM thông báo tuyển dụng nhân sự điều dưỡng khoa gây mê hồi sức.
Ngoài tốt nghiệp ĐH, CĐ ngành điều dưỡng, các điều dưỡng viên phải trải qua thời gian 6 tháng thực hành tại các cơ sở y tế, bệnh viện để được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Để phù hợp với bối cảnh hiện tại, một số đơn vị tuyển dụng còn yêu cầu ứng viên có thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản và cả ngoại ngữ.