Lý do bài báo bị gỡ, theo tạp chí Frontiers in Energy Research, là vì mâu thuẫn lợi ích không được khai báo làm suy yếu tính toàn vẹn của quy trình bình duyệt, khi tác giả có mối quan hệ mật thiết, từng đứng chung nhiều bài báo với người biên tập và người phản biện.
Xung quanh sự việc này, tiến sĩ Võ Nguyễn Đại Việt còn gây tranh cãi khi chỉ trong vòng 2 năm 2021 và 2022, công bố khoảng 120 bài báo khoa học/năm .
Trước đó, GS-TS Võ Xuân Vinh (Viện Nghiên cứu kinh doanh UEH) cũng bị tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản Springer gỡ bài báo, do kết quả điều tra cho thấy quy trình bình duyệt bị lũng đoạn, nhiều cụm từ sử dụng trong bài không chuẩn...
Như vậy, điều mà dư luận quan tâm và thắc mắc hiện nay là trong trường hợp nào một bài báo đã đăng trên tạp chí quốc tế lại bị gỡ bỏ; người biên tập, người phản biện và tác giả có quen biết nhau hoặc là đồng tác giả trong các bài báo khác có được hay không; mỗi tác giả có thể công bố được tối đa bao nhiêu bài/năm?...
Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ĐH Công nghệ Sydney (UTS), Úc, xung quanh vấn đề này.
Tập san dỏm sẽ không từ chối bài báo nào
Thưa giáo sư, quy trình để xuất bản một bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới diễn ra như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Thường, tác giả đệ trình bản thảo bài báo cho một tập san khoa học. Ban biên tập của tập san sẽ xem xét nghiên cứu có xứng đáng hay có triển vọng. Nếu ban biên tập thấy không xứng đáng, họ sẽ gởi trả lại tác giả. Nếu ban biên tập thấy nghiên cứu có triển vọng, họ sẽ gởi cho 2-3 chuyên gia trong chuyên ngành đọc và bình luận.
Sau khi nhận được bình luận của các chuyên gia, ban biên tập sẽ quyết định cho tác giả trả lời hay từ chối. Nếu các chuyên gia thấy nghiên cứu có vấn đề, ban biên tập có thể từ chối bài báo.
Tuy nhiên, nếu ban biên tập cho tác giả cơ hội trả lời, những trả lời đó sẽ được các chuyên gia xem xét một lần nữa. Và, dựa trên ý kiến của các chuyên gia, ban biên tập sẽ quyết định chấp nhận cho công bố bài báo hay từ chối. Đối với những tập san danh tiếng, tỷ lệ từ chối thường dao động trong khoảng 80 đến 95%. Đối với những tập san kém danh tiếng thì tỷ lệ từ chối chỉ chừng 30-50%. Còn các tập san dỏm thì họ không từ chối bài báo nào.
Quy trình đó có những nguyên tắc ra sao về mối quan hệ giữa người biên tập, người phản biện và tác giả?
-Về nguyên tắc, ban biên tập là người trung gian giữa tác giả và các chuyên gia bình duyệt. Tác giả không biết các chuyên gia bình duyệt là ai, nhưng các chuyên gia bình duyệt biết danh tính của tác giả. Còn ban biên tập thì biết danh tính của cả hai bên.
Nếu trong một lĩnh vực hẹp, tác giả và người biên tập, người phản biện quen biết nhau thậm chí đứng tên chung trong một hoặc các bài báo thì có được hay không, hoặc phải ứng xử thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan?
-Trong thực tế, tác giả, ban biên tập và các chuyên gia bình duyệt có thể quen biết nhau qua các hoạt động chuyên môn và trong các hội nghị khoa học. Có những trường hợp họ từng đứng tên tác giả của vài bài báo khoa học. Trong trường hợp này, vai trò của ban biên tập rất quan trọng, vì họ phải chọn chuyên gia bình duyệt sao cho không có mâu thuẫn lợi ích với tác giả.
Khi tôi làm biên tập, tôi không bao giờ chọn chuyên gia bình duyệt đã từng có quan hệ chuyên môn với tác giả. Trong thực tế, các phần mềm quản lý bản thảo bài báo có khả năng báo cho biên tập biết ai là người có quan hệ chuyên môn với tác giả.
Bị gỡ bài báo sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sự nghiệp
Trong những trường hợp nào thì một bài báo đã công bố, sau đó lại bị gỡ bỏ?
-Có nhiều lý do để gỡ bỏ bài báo khoa học. Những lý do phổ biến nhất là: giả tạo dữ liệu, dữ liệu đã được công bố trước đây, sai phương pháp phân tích dữ liệu, nghiên cứu chưa được ủy ban đạo đức thông qua, tranh cãi tác quyền bài báo.
Bài báo bị gỡ bỏ vì các lý do trên, hoặc cụ thể nếu có bằng chứng về mâu thuẫn lợi ích, thì có thể gửi và có khả năng được đăng ở một tạp chí khác hay không?
- Khi bài báo đã gỡ bỏ thì bài báo đó sẽ không được một tập san khác công bố. Đối với nhà khoa học, bị gỡ bài báo là một 'vết nhơ' lớn trong sự nghiệp khoa học.
Trường ĐH ở Úc thường hỏi ứng viên các chức danh giáo sư có bài bị gỡ hay không. Nếu có thì sự nghiệp của ứng viên bị ảnh hưởng nặng nề và khó xin tài trợ.
Có nhiều nhà khoa học công bố vài chục đến hàng trăm bài báo mỗi năm. Theo giáo sư, một nhà khoa học làm việc nghiêm túc và chăm chỉ, dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu thì một năm có thể công bố nhiều nhất là bao nhiêu bài báo?
- Rất khó có câu trả lời vì còn tùy thuộc vào chuyên ngành. Trong y khoa, đa số các nhà khoa học nghiêm túc (có nghĩa là họ rất quan tâm đến chất lượng) chỉ công bố 2-5 bài báo mỗi năm. Nhưng nếu họ đứng đầu một labo nghiên cứu với nhiều nhà nghiên cứu, thì họ có thể có tên trên 10 bài báo mỗi năm.
Học đạo đức, liêm chính khoa học trước khi vào chương trình nghiên cứu
Gần đây các nhà khoa học bàn luận nhiều về liêm chính khoa học. Vậy những vấn đề vi phạm liêm chính khoa học nổi cộm nhất hiện nay là gì, thưa giáo sư?
- Kinh nghiệm phục vụ trong các hội đồng xuất bản của các hiệp hội chuyên môn, tôi thấy những vi phạm liêm chính khoa học phổ biến nhất là giả tạo dữ liệu, chỉnh sửa dữ liệu, ''tra tấn'' dữ liệu để có kết quả ''tốt''. Hoặc gian lận trong trích dẫn, trích dẫn sai nguồn, đứng tên "tác giả quà" và "tác giả danh dự", sao chép kết quả của người khác (đạo văn), công bố trên tập san dỏm.
Vậy có cách nào để ngăn chặn hoặc giảm các vi phạm này hay không, thưa ông?
- Đã có nhiều bàn luận về việc phòng ngừa các vi phạm liêm chính khoa học, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề cơ chế.
Ở các đại học phương Tây (như nơi tôi công tác), tất cả các nghiên cứu sinh và sinh viên hậu ĐH đều phải được học vài khóa học ngắn hạn về đạo đức khoa học, đạo đức công bố, liêm chính khoa học, phương pháp nghiên cứu… trước khi vào chương trình nghiên cứu.
Do đó, các em nghiên cứu sinh đều nắm vững những nguyên tắc căn bản, và biết phân biệt giữa cái đúng và cái sai trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, tôi nghĩ tất cả các trung tâm nghiên cứu cần phải kiến tạo một văn hóa khoa học lành mạnh và minh bạch, cũng như xây dựng quy trình quản lý dữ liệu để bảo đảm không có những trường hợp giả tạo dữ liệu hay "biên tập dữ liệu'' một cách bất chính.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế của ĐH Công nghệ Sydney (UTS), Úc và giáo sư y khoa của ĐH New South Wales (Úc), đồng thời Giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm Anh, TP.HCM.
Ông từng là biên tập cho các tập san y khoa như Journal of Bone and Mineral Research, Osteoporosis International, Bone, Osteoporosis and Sarcopenia, JAFES, PeerJ, PLoS ONE, Scientific Reports.