Cử nhân có thể được nhận thẳng nghiên cứu sinh ĐH Thành phố Hồng Kông

09:05 - 21/06/2024

GS Kenneth Leung, ĐH Thành phố Hồng Kông (CityU) cho biết, sinh viên cử nhân có thành tích cao nhất (nằm trong top 5 của khóa học) cũng đủ điều kiện để đăng ký học thẳng chương trình tiến sĩ.

Mới đây, GS Kenneth Leung, một chuyên gia về độc chất học, hóa học môi trường, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về ô nhiễm biển, ĐH Thành phố Hồng Kông, Trung Quốc, đã có chuyến công tác tại Việt Nam để tham gia chuỗi sự kiện kết nối khoa học công nghệ InnovaConnect 2024 do Quỹ VinFuture tài trợ. 

GS Kenneth Leung cho biết sẵn lòng nhận đào tạo nghiên cứu sinh cho Việt Nam để tạo tiền đề cùng hợp tác nghiên cứu lâu dài về ô nhiễm biển.

Cử nhân có thể được nhận thẳng nghiên cứu sinh ĐH Thành phố Hồng Kông

GS Kenneth Leung giảng bài ngày 19.6 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong chuỗi sự kiện InnovaConnect 2024

THANH LÂM

Với chuỗi sự kiện này, GS Kenneth Leung đã tham gia giảng bài tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong tọa đàm chủ đề "Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến hệ sinh thái và sức khỏe con người: thách thức và giải pháp".

Đại dương không có ranh giới

Trao đổi với báo chí sau cuộc tọa đàm, GS Kenneth Leung cho biết, giải quyết các vấn đề ô nhiễm là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực chung, không chỉ là hành động của một quốc gia duy nhất. Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khu vực để cùng nhau giải quyết vấn đề toàn cầu này.

Giới thiệu về công việc của các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về ô nhiễm biển, GS Kenneth Leung nói: "Chúng tôi không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn bảo vệ đại dương, đa dạng sinh học biển và toàn bộ hệ sinh thái".

Theo GS Kenneth Leung, đại dương không có ranh giới và liên quan đến nhiều quốc gia. Việc bảo vệ mọi tuyến đường thủy và cửa sông là rất quan trọng trên toàn thế giới vì cửa sông sạch sẽ giúp đại dương sạch hơn và an toàn hơn cho tất cả mọi người. 

Tuy nhiên, các quốc gia có các điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ phát triển công nghệ khác nhau, dẫn đến nguồn lực khác nhau cho xử lý nước thải, quản lý chất thải và giám sát. Đó là lý do mà các nhà khoa học ở các quốc gia khác nhau cần hợp tác và xây dựng năng lực.

Gần đây, GS Kenneth Leung phụ trách một dự án được Liên Hiệp Quốc công nhận là một phần của chương trình giám sát cửa sông toàn cầu (GEM). Ông và cộng sự đã phát triển các phương pháp tiêu chuẩn, bộ dụng cụ lấy mẫu và hướng dẫn bằng video trực tuyến để đào tạo về kỹ thuật lấy mẫu đúng cách.

Sau đó nhóm phân phối các bộ dụng cụ này cho các đối tác, những người sẽ thu thập mẫu nước từ cửa sông và sông, gửi lại cho nhóm để phân tích. Hơn 120 nhà khoa học từ hơn 150 vùng cửa sông trên toàn thế giới đã tham gia sáng kiến này.

Nhóm của GS Kenneth Leung đã nhận về hơn 70 bộ dụng cụ lấy mẫu và phân tích 40 bộ, tìm thấy sự hiện diện của hóa chất dược phẩm trong tất cả các mẫu nước. Điều này khẳng định tính chất toàn cầu của vấn đề ô nhiễm.

Niềm đam mê nghiên cứu và tình yêu khoa học là điều tối quan trọng

Theo GS Kenneth Leung, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng ở châu Á với nhiều cá nhân tài năng. Vì vậy, giáo sư muốn tạo cơ hội cho những người trẻ tài năng của Việt Nam gia nhập ĐH Thành phố Hồng Kông. Việc họ trở về phục vụ đất nước sau khi hoàn thành khóa đào tạo sẽ tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái đại dương.

GS Kenneth Leung cho biết: "Chúng tôi còn mong muốn thiết lập các chương trình đào tạo chung cho nghiên cứu sinh giữa các giáo sư của ĐH Quốc gia Hà Nội và các giáo sư của chúng tôi. Sự hợp tác này sẽ là nền tảng cho các nhà khoa học xuất sắc, đồng thời tạo điều kiện giải quyết các thách thức ở Việt Nam, mang lại những ý tưởng và công nghệ mới, hoặc đồng sáng tạo các giải pháp vì lợi ích chung".

Cũng theo GS Kenneth Leung, để đào tạo nghiên cứu sinh, phòng thí nghiệm của ông không chỉ tìm kiếm ứng viên có bằng thạc sĩ. Sinh viên cử nhân có thành tích cao nhất (nằm trong top 5 của khóa học) cũng đủ điều kiện để đăng ký học thẳng chương trình tiến sĩ. "Đối với sinh viên thạc sĩ, chúng tôi tìm kiếm những người có kinh nghiệm nghiên cứu liên quan đến chuyên môn của các giáo sư phía chúng tôi", GS Kenneth Leung nói.

GS Kenneth Leung cũng cho biết thêm, một yêu cầu thiết yếu để tham gia chương trình đào tạo nghiên cứu sinh tại ĐH Thành phố Hồng Kông là trình độ tiếng Anh. Các ứng viên phải có điểm cao trong bài kiểm tra tiếng Anh quốc gia hoặc quốc tế tương đương. 

Nếu ứng viên chưa đạt yêu cầu này, các giáo sư sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn và bài kiểm tra tiếng Anh tại chỗ để đánh giá thêm. Tuy nhiên, GS Kenneth Leung cũng nhấn mạnh: "Trên hết, niềm đam mê nghiên cứu và tình yêu khoa học là điều tối quan trọng".

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...