Theo đánh giá của đại diện các trường ĐH có mặt trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Ngành nào đang 'nóng' trong năm nay” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 23.4, thì ngành "nóng", ngành "hot" là những ngành có sức hấp dẫn do thị trường lao động đang "khát" nhân lực, hoặc là những ngành học mang tính xu hướng, được nhiều thí sinh quan tâm.
"Tốt nghiệp ngành học "hot" thì cơ hội việc làm sẽ luôn cao nếu như bạn có đủ chuyên môn và kỹ năng. Tuy nhiên, khi chọn những ngành học này, thí sinh phải chấp nhận sự cạnh tranh cả đầu vào lẫn đầu ra. Đầu vào có rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ dẫn đến tỷ lệ chọi cao. Các ngành nóng của trường đều có điểm chuẩn ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 24-25 điểm", PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin các ngành thuộc khối ngành sức khỏe, máy tính và công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo... tại trường luôn số lượng hồ sơ nộp vào rất đông nên điểm chuẩn cũng cao hơn các ngành khác.
Tại chương trình, có bạn đọc thắc mắc nếu không chọn ngành "hot" mà chọn một ngành theo sở thích, chẳng hạn yêu thích các hoạt động bảo vệ môi trường nên chọn ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, thì tốt nghiệp có cơ hội việc làm hay không?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin nhóm ngành môi trường năm 2023 chỉ có 0,9% thí sinh nhập học nghĩa là chưa đến 5.000 sinh viên trên tổng số hơn 500.000 thí sinh trúng tuyển. "Vì thế em cứ mạnh dạn đăng ký vì cơ hội việc làm sẽ cao, thống kê có tới hơn 90% sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp. Không cứ phải chọn ngành nóng mới có việc làm, vì được tuyển dụng hay không còn phụ thuộc vào năng lực của người học", tiến sĩ Hải nhận định.
Học logistics có cần giỏi tiếng Anh?
Trả lời cho thắc mắc ngành truyền thông đa phương tiện học các nội dung gì, có cần phải giỏi công nghệ hay không, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, chia sẻ: "Ngành truyền thông đa phương tiện đào tạo kiến thức về báo chí, truyền thông, quảng cáo, ứng dụng các công cụ phần mềm phục vụ thiết kế, sản xuất sản phẩm liên quan đến truyền thông, xử lý hình ảnh, hậu kỳ, biên tập cho các đơn vị truyền thông".
Theo thạc sĩ Nguyên, ngành này tại trường cũng đang thu hút rất nhiều thí sinh. Muốn học tốt thí sinh cần có tính sáng tạo, năng động, nhạy bén để liên tục cập nhật xu hướng; có khả năng trình bày và giỏi công nghệ. Tốt nghiệp có thể làm nhiều vị trí công việc về truyền thông, quảng cáo, marketing ở đài truyền hình, phát thanh, cơ quan báo chí, doanh nghiệp...
Trong khi đó, một học sinh băn khoăn: "Trong tương lai, em mong muốn được làm việc ở sân bay, vậy em có thể học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng hay không? Ngành này nếu làm việc ở sân bay thì làm ở bộ phận nào? Lĩnh vực này có cần phải giỏi ngoại ngữ mới làm việc được?".
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay trường đào tạo ngành này trong 3,5 năm, với các kiến thức về, quản lý, tổ chức, điều phối các hoạt động lưu trữ, vận chuyển kho bãi, đảm bảo hàng hóa dịch vụ được cung ứng hiệu quả nhất tới người tiêu dùng.
"Ngành này rất quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tốt nghiệp các em có thể làm việc ở sân bay, cảng biển, các doanh nghiệp vận chuyển... Nếu làm ở sân bay, các em có thể đảm nhận các vị trí nhân viên kinh doanh, vận hành kho, nhân viên hải quan, nhân viên chứng từ, chuyên viên thanh toán quốc tế... Giỏi ngoại ngữ sẽ là một lợi thế và là yếu tố quyết định thành công trong nghề nghiệp", thạc sĩ Trị nhìn nhận.