Nói điều đó để thấy dù có phát biểu "kiên quyết" đến mấy mà không có giải pháp căn cơ thì việc chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ mầm non sẽ vẫn chỉ dừng ở lời nói hoặc trên văn bản.
Chúng tôi đã đề cập về "những cái nhất đáng buồn" của giáo dục mầm non, trong đó có việc thiếu trường lớp và giáo viên (GV) nhiều nhất. Chính vì vậy nhiều phụ huynh phải "liều" gửi con vào các nhóm lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ mà không biết cơ sở đó có an toàn hay không, người trông giữ trẻ có được đào tạo bài bản, có được giám sát quá trình nuôi dạy hay không…
Còn tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục nhỏ lẻ, trong bối cảnh GV mầm non bỏ việc ngày càng nhiều, sinh viên không chọn sư phạm mầm non... thì để tồn tại, họ cũng không có nhiều lựa chọn trong việc tuyển dụng.
Chính điều này khiến trẻ em gia tăng nguy cơ bị bạo hành khi được gửi ở những cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ.
Tại một hội thảo về học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, một chuyên gia cao cấp biệt phái từ Bộ Giáo dục Phần Lan chia sẻ, ở nước bà, yêu cầu về những điều kiện để đảm bảo chất lượng mầm non rất cao và được quan tâm hàng đầu so với cấp học khác. Ngay cả với các nhóm lớp trông giữ trẻ tư nhân thì yêu cầu cũng rất khắt khe, người giữ trẻ, bảo mẫu phải trải qua chương trình đào tạo với thời gian 3 năm. Quản lý một nhóm trẻ đòi hỏi ít nhất phải có trình độ thạc sĩ về giáo dục mầm non…
Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN Christophe Lemiere cũng nêu nghiên cứu của WB: "Những quốc gia có sự đầu tư vào giáo dục mầm non, khi trưởng thành người dân có thu nhập cao hơn 30% so với thông thường".
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hoặc các khu công nghiệp, khu chế xuất…, nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi rất cao, nhưng hầu hết các cơ sở công lập chưa đáp ứng được. Trường công ưu tiên hàng đầu nhận trẻ 5 tuổi rồi mới đến các lứa tuổi từ 3 - 4... Trẻ trong độ tuổi nhà trẻ phụ thuộc phần lớn vào cơ sở tư thục hoặc người chăm giữ trẻ không có chuyên môn, nghiệp vụ.
Dù vậy, hệ thống chăm giữ trẻ tư nhân lại thiếu sự quan tâm, giám sát cả về việc tuân thủ pháp luật cũng như chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ. Rất nhiều vụ bạo hành trẻ rất nghiêm trọng xảy ra, chính quyền địa phương, ngành giáo dục vào cuộc mới "phát hiện" cơ sở đó hoạt động mà chưa được cấp phép, GV chưa được đào tạo…
Chuyện những đứa trẻ bị bạo hành tại nơi lẽ ra phải được chăm chút, yêu thương đương nhiên gây phẫn nộ, đương nhiên phải "xử lý nghiêm" nhưng chẳng bao lâu nó sẽ bị chìm lấp. Người ta sẽ lại quên đi vụ việc, quên cả giải pháp lúc ấy tưởng như "cấp bách" cho đến khi có vụ việc mới xảy ra.
Chỉ có nỗi đau về thể xác và tinh thần là đi theo đứa trẻ và cha mẹ chúng đến hết cuộc đời!