Từ trường ĐH thành ĐH là một sự lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm 1994, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường ĐH Duy Tân, một trong 5 trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của cả nước trong thời kỳ mới. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, ĐH Duy Tân đã phát triển không ngừng, đã có nhiều đóng góp vào công tác đào tạo nhân lực cho TP.Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sự ra đời, phát triển của ĐH Duy Tân đã góp phần làm thay đổi cơ cấu công tư trong hệ thống các trường ĐH, thay đổi diện mạo của giáo dục ĐH, đem lại nhiều việc làm cho các nhà khoa học và cơ hội học tập cho rất nhiều sinh viên, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong suốt 30 năm qua. Từ Trường ĐH Duy Tân trở thành ĐH Duy Tân là một sự lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị, cũng là một mô hình phát triển chứng tỏ độ chín và nhu cầu phát triển mới từ bên trong.
"Tôi mong rằng sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên mà sự thay đổi này hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh. Mong ĐH sẽ được vận hành với bộ máy quản trị ĐH khoa học hơn, tiên tiến hơn, quy mô lớn hơn, sứ mệnh cao hơn, tầm nhìn xa, rộng hơn, hướng tới sự phát triển bền vững. Sự thay đổi từ mô hình tổ chức của một trường ĐH sang mô hình tổ chức của một ĐH cần tạo ra những động lực mới và những sung lực mới, giải phóng được sức sáng tạo và tạo ra những năng lượng mới tạo sự phát triển ĐH nhanh và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Chính phủ và Bộ GD-ĐT ủng hộ sự lựa chọn mô hình phát triển này bằng cách đã ủng hộ làm các thủ tục để chuyển Trường ĐH Duy Tân thành ĐH Duy Tân", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
"Về phía Bộ GD-ĐT, với trách nhiệm quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ và kiểm tra giám sát ĐH Duy Tân. Thông qua hoạt động kiểm tra giám sát để hỗ trợ ĐH Duy Tân tiếp tục và không ngừng lớn mạnh", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Chú trọng đưa ra những công trình, sáng kiến có giá trị thực tiễn
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết khi nhà trường bước vào tuổi 30 cũng là thời điểm TP.Đà Nẵng đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng. Đây là một trong những định hướng hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
"Thành phố luôn xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt để hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh mang tầm quốc tế có bản sắc riêng. Điều đó có nghĩa là công tác đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và ĐH Duy Tân nói riêng cần có sự chuẩn bị thật tốt để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội", ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đề nghị ĐH Duy Tân nói riêng và các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra những công trình, sáng kiến có giá trị thực tiễn; đồng hành cùng TP.Đà Nẵng trong các lĩnh vực tiên phong mới, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, văn minh và hiện đại.
"TP.Đà Nẵng luôn đồng hành, tạo điều kiện để ĐH Duy Tân phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố", ông Lê Trung Chinh bày tỏ.
Tháng 10.2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 7.10.2024 chuyển Trường ĐH Duy Tân thành ĐH Duy Tân, là một trong 8 ĐH của Việt Nam, cũng là cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập đầu tiên và duy nhất, tính đến nay ở Việt Nam được chuyển đổi mô hình thành ĐH.
ĐH Duy Tân hiện có 7 trường thành viên và 2 viện nghiên cứu, với 8 cơ sở đào tạo tại trung tâm TP.Đà Nẵng. Đội ngũ cơ hữu gồm 1.526 người, trong đó có 1.079 giảng viên.