Kế hoạch được thực hiện trong 3 năm, từ 2023 – 2025. Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở GTVT và TP.Đà Lạt thực hiện công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt cho người dân sống dọc hai bên tuyến đường sắt từ ga Đà Lạt đến Trại Mát.
Trong năm 2023, cơ quan chức năng rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; lập phương án thu hồi đất… Phối hợp với các cơ quan quản lý tuyến đường sắt từ ga Đà Lạt đến Trại Mát lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt, đất hành lang an toàn đường sắt.
Đồng thời lập phương án xây dựng đường ngang tại 4 vị trí và xây dựng 4 hàng rào phân cách giữa đường sắt và đường bộ để xóa bỏ các lối đi tự mở, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Năm 2024, thực hiện cắm mốc giới đất dành cho đường sắt tại thực địa để bàn giao địa phương quản lý, hoàn thành phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất và công trình trong phạm vi đất hành lang an toàn đường sắt.
Thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình tái lấn chiếm, công trình xây dựng trái phép trên đất đã được thu hồi hoặc vi phạm hành lang an toàn đường sắt; xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn đường sắt.
Tuyến đường sắt từ ga Đà Lạt đến Trại Mát (P.12, TP.Đà Lạt) là đoạn còn lại của tuyến đường sắt răng cưa từ TP.Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) lên Đà Lạt do người Pháp xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 hoàn thành đưa vào khai thác. Toàn tuyến có tổng chiều dài gần 84 km, trong đó có 16 km đường sắt răng cưa, 12 nhà ga, 5 hầm chui.
Tuy nhiên, sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường sắt này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát – Đà Lạt dài khoảng 7 km khai thác phục vụ du lịch.
Năm 2015, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt.