Ông Nguyễn Duy Cường, cho biết trong luật hiện hành và luật sửa đổi đều quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở theo chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng ngân sách và quỹ BHXH.
Tuy nhiên, một điểm mới trong luật BHXH sửa đổi lần này là ngoài quy định nguyên tắc điều chỉnh lương hưu như trên, luật mới còn quy định việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với người có mức lương hưu thấp và những người nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.
Theo ông Cường, đây là vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Thời gian qua, khi triển khai Nghị quyết 28, Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các bộ, ngành đổi mới xây dựng đề án đổi mới cách thức, phương thức tính lương hưu. Có những năm lương hưu của công chức, viên chức không điều chỉnh, nhưng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng vẫn được điều chỉnh.
Gần đây nhất, khi thực hiện Nghị định 75 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, ngoài thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 15% theo mức chung, từ ngày 1.7.2024, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1.1.1995, sau khi được điều chỉnh lương hưu mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh lần nữa để đạt mức 3,5 triệu đồng/tháng.
"Tới đây, trong thực hiện quy định mới của luật BHXH, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, đề xuất các phương án cải thiện mức lương hưu đối với những người có lương hưu thấp, vừa đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc quy định của luật, đó là điều chỉnh lương hưu thỏa đáng cho người lương hưu thấp, người nghỉ hưu trước năm 1995", ông Cường nói.
14 điểm mới của luật BHXH
Theo ông Nguyễn Duy Cường, luật BHXH 2024 vừa được Quốc hội thông qua (hiệu lực từ ngày 1.7.2025) có 14 điểm mới người dân cần biết, gồm:
Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Đây là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Theo đó, giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng BHXH 1 lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.
Mở rộng đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như luật hiện hành.
Bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh.
Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần.
Bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia BHXH của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH.
Nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ BHXH, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHXH thông qua việc mở rộng danh mục và phương thức đầu tư quỹ BHXH.
Bổ sung một chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Quy định cụ thể về "mức tham chiếu" thay cho "mức lương cơ sở dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH; khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Dành riêng 1 chương để quy định về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH.
Bổ sung quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH.
Sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.