TƯƠNG TÁC TRÊN MÔI TRƯỜNG SỐ
* Là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, xin ông chia sẻ những thay đổi rõ nét nhất của TP.HCM kể từ khi triển khai đề án đô thị thông minh ?
- Kể từ khi triển khai đề án đô thị thông minh (năm 2017) và chương trình CĐS đang thực hiện, TP.HCM đã có nhiều thay đổi rõ nét, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Nổi bật nhất là phát triển mạnh mẽ hạ tầng số đến các phường, xã, thị trấn. Các nền tảng chính quyền điện tử được đầu tư đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) tương tác với chính quyền, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ngày càng nhiều dịch vụ công và tiện ích trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và các lĩnh vực kinh tế, xã hội như giao thông, đô thị, y tế, giáo dục được cung cấp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời giảm tải cho bộ máy hành chính.
Theo kết quả đánh giá về chỉ số CĐS quốc gia (DTI) của Bộ TT-TT, TP.HCM liên tục nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố ở thứ hạng cao; tỷ trọng đóng góp kinh tế số vào GRDP TP.HCM tăng đều qua các năm, năm 2023 là 21,5%. Còn theo báo cáo khảo sát chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc mới đây, TP.HCM có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI) của TP.HCM xếp hạng 53/193 thành phố được khảo sát.
Những cải thiện này cho thấy TP.HCM đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến chính quyền điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy sự tham gia và tương tác của người dân, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dịch vụ trực tuyến.
Mặc dù có những tiến bộ, TP.HCM vẫn cần tiếp tục cải thiện, đặc biệt là về cung cấp dịch vụ và tăng cường tương tác điện tử với người dân. Mục tiêu là xây dựng một chính quyền điện tử hiệu quả, thúc đẩy KT-XH số phát triển, vì một TP.HCM thông minh, đáng sống và xã hội số.
* Theo ông, mô hình nào là nổi bật và có tác động lan tỏa nhất ?
- TP.HCM có nhiều mô hình CĐS hiệu quả. Trong đó, ảnh hưởng sâu rộng nhất là mô hình giải quyết TTHC trên môi trường số gắn với Đề án 06. Từ việc thống nhất hơn 40 hệ thống một cửa điện tử rời rạc, TP.HCM đưa vào vận hành thành công nền tảng số thống nhất, toàn bộ quy trình nghiệp vụ tiếp nhận, ký số, hoàn trả, thu phí, lệ phí cùng một nền tảng, dữ liệu số.
Từ đó, người dân và DN dễ dàng tiếp cận và thực hiện TTHC nhanh chóng, tiện lợi thông qua tài khoản VNeID và một Cổng dịch vụ công duy nhất. Các cơ quan, đơn vị được kết nối, chia sẻ dữ liệu, giúp giảm tình trạng yêu cầu cung cấp giấy tờ trùng lặp. Các quy trình TTHC được số hóa toàn diện giúp tự động hóa, giảm sự can thiệp của con người, rút ngắn thời gian giải quyết và tăng tính minh bạch.
Trong hoạt động điều hành nội bộ cấp sở, cấp huyện, TP.HCM đã kết nối thông suốt trên môi trường số, thay thế việc xử lý văn bản giấy sang điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý, lưu trữ và tìm kiếm văn bản. TP.HCM cũng đưa vào vận hành hệ thống quản trị thực thi bằng dữ liệu, hướng tới cơ bản đưa nền hành chính lên hoạt động trên các nền tảng số vào năm 2025.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG RỜI RẠC
* Năm 2024, TP.HCM chọn chủ đề năm là CĐS và thực hiện Nghị quyết 98/2023, đâu là những bước "chuyển mình" đáng chú ý nhất, thưa ông ?
- Sau hơn 8 tháng, các sở, ngành, địa phương đều nỗ lực triển khai chuyển đổi số, chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù lĩnh vực, địa phương và tạo nên những chuyển biến đáng kể.
Về hạ tầng số, Trung tâm dữ liệu TP.HCM vận hành trên nền tảng điện toán đám mây dùng chung, kết nối các cơ quan nhà nước qua đường truyền mạng chuyên dùng, đảm bảo an toàn thông tin. TP.HCM cũng ban hành 45 cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan nhà nước và 91 tập dữ liệu, cơ sở dữ liệu mở.
Khắc phục tình trạng ứng dụng rời rạc trước đây, TP.HCM tiếp tục ra mắt nhiều nền tảng số dùng chung quan trọng như: hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội, hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo, bản đồ thực thi thể chế, nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hệ thống vận hành chính quyền số, thử nghiệm nền tảng hỗ trợ hoạt động HĐND TP.HCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại kỳ họp lần thứ 17.
Về chính quyền số, thông qua rà soát, tái cấu trúc các quy trình nội bộ trên môi trường số, TP.HCM cắt giảm thời gian giải quyết TTHC hơn 3.480 giờ làm việc, cung cấp 911 dịch vụ công trực tuyến. HĐND TP.HCM miễn phí 98 thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến.
Về kinh tế số và xã hội số, UBND TP.HCM hợp tác với Bộ TT-TT thúc đẩy triển khai CĐS, phát triển kinh tế số và AI. Đến nay, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ gần 17%, tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt 82%, tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số hơn 71%.
* Để thúc đẩy CĐS nhanh và hiệu quả hơn, Sở TT-TT sẽ tham mưu, đề xuất gì nhằm mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân, DN ?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến về CĐS, đặc biệt là người dân ở các huyện ngoại thành, khu vực khó khăn và các DN nhỏ và vừa. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Sở TT-TT sẽ tham mưu UBND TP.HCM chính sách hỗ trợ DN tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, ra mắt ứng dụng Công dân số. Đặc biệt, TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc triển khai xây dựng mô hình điểm về CĐS các lĩnh vực trọng yếu như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường... để làm cơ sở nhân rộng.
* Sắp tới, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư cho những hạng mục nào ?
- TP.HCM sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật gồm trung tâm dữ liệu, đảm bảo kết nối thông suốt, an toàn. Phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ CĐS trong cơ quan chính quyền và CĐS cho các hệ thống chuyên ngành như hồ sơ sức khỏe điện tử, giáo dục điện tử, thương mại điện tử và các lĩnh vực trọng tâm khác. Đồng thời, tăng cường an toàn thông tin, đầu tư các giải pháp bảo mật, phòng chống tấn công mạng cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu, phát triển.
* Xin cảm ơn ông!
Lắng nghe mạng xã hội để thấu hiểu sâu sắc hơn
Cuối tháng 2.2024, Sở TT-TT TP.HCM ra mắt nền tảng lắng nghe mạng xã hội. Qua 6 tháng vận hành, nền tảng này hỗ trợ những gì?
Nền tảng lắng nghe mạng xã hội đã chứng minh được vai trò quan trọng của việc ứng dụng AI trong hỗ trợ công tác quản lý điều hành. Sau 6 tháng hoạt động, nền tảng này giúp Sở TT-TT nắm bắt thông tin, dư luận nhanh chóng để kịp thời tham mưu lãnh đạo xử lý, chỉ đạo các vấn đề nóng, tạo sự đồng thuận, ổn định xã hội. Đây cũng là nền tảng dùng chung để các sở, ngành, quận, huyện lắng nghe mạng xã hội, ý kiến người dân phục vụ công tác quản lý. Hệ thống giúp các cơ quan thấu hiểu người dân sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước một cách tích cực, chủ động.
Thời gian qua, hệ thống giúp các đơn vị tăng cường phát hiện sớm nội dung phản ánh, thông tin dư luận đối với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, chính quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng các vấn đề, sự vụ nóng đang được quan tâm, tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đồng thời phát hiện các vi phạm trên không gian mạng để kịp thời xử lý.