Bác sĩ Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính (HCDC) cho biết, mỗi năm TP.HCM phát hiện khoảng 4.000 - 5.000 người nhiễm mới HIV. Mỗi năm, tại TP.HCM có khoảng 200 - 300 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong.
Theo ghi nhận, từ năm 2021 - 2024, số người nhiễm HIV từ các tỉnh, thành khác đến TP.HCM đã vượt qua số người nhiễm có hộ khẩu tại TP.HCM, dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Qua giám sát trọng điểm hằng năm cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm HIV trên nhóm nghiện chích ma túy được ghi nhận dưới 5% vào năm 2023, giảm hơn một nửa so với năm 2019. Tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm phụ nữ mại dâm tiếp tục theo chiều hướng giảm, ghi nhận khoảng 2 - 3%. Ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV ở mức cao (12,3%) trên nhóm MSM vào năm 2022.
Theo bác sĩ Văn Hùng, quan hệ tình dục vẫn là đường lây truyền HIV được ghi nhận chủ yếu với nhóm tuổi từ 23 - 39 tuổi, trong đó nam giới chiếm hơn 90%.
Thử nghiệm nhiều mô hình mới trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS
Dự án USAID/PATH STEPS đã phối hợp chặt chẽ cùng Sở Y tế TP.HCM và HCDC triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trong giai đoạn từ 10.2023 - 8.2024, bước đầu đã hoàn thành 89% mục tiêu PrEP New (thuốc điều trị trước phơi nhiễm) với 4.172 khách hàng sử dụng PrEP tại 9 phòng khám tư nhân và 4 phòng khám công lập. Thử nghiệm thành công nhiều mô hình mới như PrEP lưu động và hợp tác với các doanh nghiệp xã hội, các phòng khám để tăng cường cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, dự án cũng tái triển khai sinh phẩm xét nghiệm HIV (Insti) như một lựa chọn ưu tiên cho việc tự xét nghiệm, đồng thời ra mắt phòng khám Transcare là phòng khám đầu tiên do cộng đồng dẫn dắt, cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện dành riêng cho cộng đồng người chuyển giới.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, TP.HCM đang trong giai đoạn kiểm soát dịch HIV, phấn đấu đạt mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút ngưỡng an toàn) vào năm 2025 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật bền vững của khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS, dự án USAID/PATH STEPS sẽ tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ dự phòng bao gồm thuốc điều trị trước phơi nhiễm PrEP, tự xét nghiệm HIV cũng như các dịch vụ tư vấn y tế chất lượng cao cho các nhóm nguy cơ.
Mục tiêu không chỉ làm giảm sự lây nhiễm HIV mà còn giúp duy trì hệ thống y tế bền vững, trong đó có sự đóng góp tích cực của khu vực y tế tư nhân vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điều này sẽ giúp duy trì bền vững tài chính và bảo đảm tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, bao gồm ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn lực xã hội khác.