Trăn trở bệnh viện quá tải
Tại buổi gặp gỡ, TS-BS Lê Quốc Sử, Giám đốc Bệnh viện Vinmec Central Park, chia sẻ những trăn trở về hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế. Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm, các bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận hơn 20 triệu lượt khám, chữa bệnh ngoại trú, dự kiến cả năm là hơn 43 triệu lượt. TP.HCM là trung tâm kinh tế, đồng thời là trung tâm y tế lớn nhất khu vực phía nam nhưng tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, tuyến cuối ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Chưa kể, mỗi năm có hàng nghìn người ra nước ngoài chữa trị dù TP.HCM có những bác sĩ hàng đầu khu vực, làm chủ nhiều công nghệ điều trị tiên tiến.
Bác sĩ Sử dẫn chứng như chụp MRI, nhiều bệnh nhân khi khám ở bệnh viện công lập phải chờ 3 - 4 ngày, thậm chí cả tuần hoặc lâu hơn nữa mới đến lượt trong khi nhiều bệnh viện tư nhân đầu tư thiết bị hiện đại nhưng không có bệnh nhân hoặc rất ít, do giá cao dẫn đến lãng phí. Do vậy, ông đề nghị đẩy mạnh hợp tác công - tư một cách công khai, minh bạch. Đơn cử như ngành y tế có thể tổ chức đấu thầu cho khối tư nhân tham gia, tổ chức chụp chiếu… với giá tương đương khối công hoặc phù hợp khả năng chi trả của bảo hiểm y tế. Điều này giúp giảm tải ở khối công, tối ưu hóa công suất trang thiết bị của khối tư bởi tất cả đều là nguồn lực xã hội.
Đặc biệt, vị bác sĩ này đề xuất thành lập các doanh nghiệp, công ty cổ phần có vốn nhà nước, hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế để có những bệnh viện lớn cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài. Hiện một số bệnh viện nước ngoài mở văn phòng đại diện ở TP.HCM để thu hút khách trong khi nhiều bác sĩ trong nước thì bất lực nhìn người bệnh rời đi. "TP.HCM cần có định hướng để doanh nghiệp y tế ngoài công lập chân chính, tâm huyết tham gia các chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, cân bằng lợi ích kinh tế và phụng sự cộng đồng", bác sĩ Sử nói thêm.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
Hội nghị cũng đón nhận những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm trên các lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế. GS-TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhìn nhận lãnh đạo thành phố các thời kỳ đều coi trọng, tạo điều kiện và phát huy tối đa tài năng, đóng góp của đội ngũ trí thức. Ông đề nghị nhân dịp 50 năm Ngày thống nhất đất nước sắp tới, TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác vận động trí thức, phát huy đội ngũ khoa học kỹ thuật để làm nên thành tích của thành phố.
GS Võ Văn Sen cũng cho rằng cần phát huy vai trò của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM để trở thành nơi đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, không phân biệt của cơ quan trực thuộc T.Ư hay thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện cho giới khoa học kỹ thuật mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, đi thẳng vào sản phẩm cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở việc làm quen, cưỡi ngựa xem hoa.
Trong 3 đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực), PGS-TS Nguyễn Thiện Tống quan tâm đến đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành mà TP.HCM quan tâm, đồng thời đề xuất 2 giải pháp huy động chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy. Đầu tiên, TP.HCM có thể trao đổi với các trường đại học có nhu cầu cần chuyên gia nước ngoài, chủ động liên hệ thông qua Ủy ban về người VN ở nước ngoài. Như vậy, cần có chính sách để giảng viên không bị thiệt thòi, như có thể đào tạo online nhưng thù lao không thay đổi nhằm tạo động lực để chuyên gia nước ngoài tham gia, trao đổi về học liệu.
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng TP.HCM cần có chính sách, ngân sách tài trợ chi phí để mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Về cách làm cụ thể, các trường có thể làm đề án với từng người, phát triển dần dần để huy động thêm giảng viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư tham gia.
Hoàn thiện chính sách trọng dụng nhân tài
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa các cấp lãnh đạo thành phố với đội ngũ trí thức ngày càng gắn bó. Đến nay, đội ngũ trí thức không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, là điểm tựa rất quan trọng trong xây dựng, phát triển thành phố và kiến tạo cho tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. TP.HCM có 3 nhóm trí thức giống như 3 trụ cột luôn bám sát và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ. Nhóm đầu tiên là những trí thức trẻ do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phụ trách; nhóm trí thức cao tuổi do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông làm đầu mối và nhóm trí thức VN ở nước ngoài luôn sẵn sàng tập hợp khi cần thiết.
Những năm gần đây, TP.HCM đã thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ giới trí thức nhưng còn nhiều điểm hạn chế, các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, nhiều chính sách ban hành chưa tạo được sức hút. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đồng tình cần có chính sách, cơ chế để tạo hành lang, không gian cho đội ngũ trí thức làm việc thuận lợi và cống hiến nhiều hơn, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi. Các chính sách của TP.HCM cần ưu tiên trọng dụng nhân tài và phát huy tính tự chủ của giới trí thức, nhà khoa học. "Chúng tôi học tập, làm theo các thế hệ đi trước trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và những tư duy trọng dụng nhân tài", ông Nên chia sẻ.
Tiếp thu góp ý của các đại biểu trí thức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định chính quyền TP.HCM sẽ chọn lọc và cụ thể hóa trong kế hoạch sắp tới. Ông cũng cho biết địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế nhằm đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức, kết nối đội ngũ trí thức bên ngoài, thu hút nhân tài.
Đội ngũ trí thức ở TP.HCM chiếm hơn 20% cả nước
Hiện TP.HCM có hơn 21.210 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; 135 nhóm hoạt động nghiên cứu mạnh, năng động, tham gia hợp tác quốc tế. Câu lạc bộ Khoa học và kỹ thuật người VN ở nước ngoài thu hút khoảng 200 trí thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực ở các nước tham gia.
Đội ngũ trí thức TP.HCM có khoảng 1,6 triệu người, trong đó khoảng 18.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và khoảng 80.000 thạc sĩ. Riêng lĩnh vực khoa học và công nghệ có 188 giáo sư, 1.116 phó giáo sư và 6.870 tiến sĩ.
Đội ngũ trí thức TP.HCM tập trung chủ yếu ở 109 trường đại học, 371 tổ chức khoa học công nghệ, 78 viện nghiên cứu, 279 phòng thí nghiệm và các hội văn học nghệ thuật, tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đội ngũ trí thức TP.HCM chiếm hơn 20% trí thức khoa học cả nước.
Lắng nghe người tài khi xây dựng chính sách thu hút
Tại hội nghị, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhận định vấn đề thu hút nhân tài về địa phương, vào cơ quan nhà nước đã được đặt ra từ lâu, kể cả chương trình đưa cán bộ trẻ về cơ sở với nhiều chế độ, chính sách nhưng kết quả không được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ chính sách, chế độ được đề ra mang tính chủ quan của bên đề ra chính sách. Để tìm đúng điểm nghẽn, ông cho rằng cần lắng nghe một cách không định kiến từ phía đối tượng thụ hưởng chính sách về những gì họ mong đợi như môi trường làm việc, đánh giá kết quả khách quan, minh bạch, con đường tiến thân bình đẳng cho mọi người, không bị chi phối bởi các yếu tố khác.
Bên cạnh đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về những người có trình độ từ đại học trở lên trên địa bàn TP.HCM; mở rộng khái niệm trí thức, người tài; khảo sát việc sử dụng chất xám cả khu vực công và khu vực tư khi xây dựng chính sách.