Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng cần trợ giúp, với điều kiện tuân thủ quy định pháp luật.
Nhằm đảm bảo công tác quản lý các cơ sở này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức định kỳ 6 tháng và hằng năm, rà soát và cập nhật danh sách các cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp phép hoạt động, báo cáo về Sở LĐ-TB-XH.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát toàn diện việc chấp hành các quy định pháp luật về thành lập, tổ chức và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chăm sóc và công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, không để phát sinh cơ sở hoạt động không phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các địa phương phải bố trí đầy đủ nhân sự, đồng thời tổ chức tập huấn hằng năm cho cán bộ, công chức thực hiện công tác xã hội theo đề án vị trí việc làm và Nghị quyết 02 năm 2024 về chức danh, số lượng và chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, khu phố, ấp. Trường hợp luân chuyển hoặc điều động nhân sự, cần kịp thời thay thế để đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác xã hội tại địa phương.
Các quận, huyện cần thiết lập đầu mối cán bộ và công khai thông tin để tiếp nhận phản ánh về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội; kịp thời xác minh và xử lý các vi phạm nếu có và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian qua, công tác bảo trợ xã hội tại TP.HCM nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân, nhất là sau vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, được Báo Thanh Niên phản ánh qua loạt điều tra Tội ác trong một mái ấm (số ra ngày 4 và 5.9), cùng với việc tạm đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động 2 cơ sở của Mái ấm Chúc Từ. Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực xử lý và giải quyết các vụ việc này theo đúng quy định pháp luật.