Theo đánh giá của UBND TP.HCM, đến nay, các "điểm nghẽn" thực hiện Đề án 06 trên địa bàn cơ bản đã được tháo gỡ. Qua thống kê kết quả triển khai 32 nhiệm vụ của Đề án 06 (Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), TP.HCM đã hoàn thành 30 nhiệm vụ và 2 nhiệm vụ đang triển khai, đồng thời có 16 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên.
Dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn khó khăn do các hệ thống triển khai từ bộ, ngành chưa đồng bộ dữ liệu với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM; hạ tầng mạng tại các phường xã, một số đơn vị còn đang trong giai đoạn đầu tư, nâng cấp.
Công tác số hóa lưu trữ điện tử còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, nguồn nhân lực, đặc biệt là lượng hồ sơ của một số ngành quá lớn, nhất là hồ sơ nhà đất và lao động, thương binh và xã hội ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Đường truyền dữ liệu dân cư vẫn còn tình trạng mất kết nối cục bộ nên cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và công tác vận động công dân đến thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD) và thực hiện giải quyết hồ sơ cư trú.
Thời gian chuyển hồ sơ các thủ tục hành chính của công dân từ cổng dịch vụ công trực tuyến về phần mềm quản lý cư trú chậm, dẫn đến không đảm bảo thời gian tiếp nhận và giải quyết theo quy định.
Đề xuất hỗ trợ điều chỉnh thông tin cư trú theo danh sách
Nêu một số kiến nghị, UBND TP.HCM đề xuất Bộ Công an giảm chi phí xác thực thẻ CCCD, xác thực khuôn mặt đối với các thiết bị phục vụ triển khai tại các văn phòng công chứng, chứng thực; nghiên cứu giải pháp sử dụng thẻ CCCD làm thẻ đi lại và thanh toán trên tuyến đường sắt đô thị.
Đồng thời, hướng dẫn để Tổng công ty cấp nước Sài Gòn kết nối, khai thác thông tin cư trú của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
UBND TP.HCM nêu thực tiễn tại địa phương về việc sắp xếp, đổi tên khu phố, ấp từ ngày 1.4 theo Nghị quyết 11 năm 2024 của HĐND TP.HCM. Cụ thể, TP.HCM thành lập 4.861 khu phố, ấp trên cơ sở sáp nhập và phân chia lại các tổ dân phố, tổ nhân dân và khu phố, ấp trước đây.
Để thực hiện nghị quyết này, TP.HCM phải rà soát và điều chỉnh thông tin về địa chỉ cư trú của hơn 11 triệu nhân khẩu. Do vậy, UBND TP.HCM đề xuất Bộ Công an hỗ trợ tích hợp chức năng cho phép điều chỉnh cả hộ, nhân khẩu, điều chỉnh theo danh sách trên phần mềm tách gộp địa bàn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc thực hiện thủ công.
Đề xuất này nhằm giúp Công an TP.HCM tổ chức thực hiện việc điều chỉnh thông tin cư trú nhanh chóng, đảm bảo thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện, không để ảnh hưởng đến nhu cầu, quyền lợi của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đề xuất cấp giấy chứng sinh điện tử
Ngoài ra, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp tháo gỡ đối với các trường hợp giấy khai sinh công dân có sử dụng những ký tự đặc biệt; giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ và không có tài liệu chứng minh theo điều 11 của luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Đề xuất Bộ Y tế cấp giấy chứng sinh, giấy chứng tử điện tử để thực hiện có hiệu quả 2 nhóm liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "đăng ký khai tử - thay chủ hộ - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí".
Bên cạnh đó, các bộ, ngành chia sẻ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM dữ liệu về tình trạng xử lý, thông tin hồ sơ, kết quả giải quyết dịch vụ công của người dân TP.HCM khi thực hiện trên Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành.