Trong năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng hơn 674 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498 ha, chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi. Đã có những đối tượng gây cháy rừng bị khởi tố và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là ở khu vực Tây nguyên, Đông Nam bộ, miền núi phía bắc và Bắc Trung bộ.
Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà... của người dân. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng chưa được nhà nước giao, cho thuê, đang do UBND cấp xã quản lý, một số diện tích do các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành trung ương tham mưu quản lý nhà nước về rừng và PCCCR; dự báo khí tượng quốc gia dự báo thời tiết đúng, kịp thời nhất có thể; thực hiện tốt công tác tuyên truyền PCCCR từ đây đến hết mùa khô.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ đạo các địa phương có rừng không được lơ là, chủ quan, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Đặc biệt, các địa phương cần chuẩn bị chu đáo cho nguyên tắc "4 tại chỗ"; đồng thời chăm lo hơn cho công tác phát triển, bảo vệ PCCCR; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để xây dựng hệ thống giám sát, phát hiện sớm cháy rừng tự động…
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum).