Ngày 5.5, thông tin từ Sở NN-PTNT Kiên Giang, tính đến ngày 2.5, trên sông Cái Lớn độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu khoảng 55 km, độ mặn 1‰ xâm nhập khoảng 59 km, cách cầu Cái Tư (H.Gò Quao) khoảng 4 km. Tại sông Cái Bé, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 26 km và độ mặn 1‰ xâm nhập khoảng 30 km đến cầu Bến Nhất (H.Giồng Riềng). Trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên, độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu đến cống lấy nước của Nhà máy nước Rạch Giá.
Hiện, lưu lượng khai thác tại một số trạm cấp nước ở các huyện Kiên Lương, An Minh, Kiên Hải bị giảm. Riêng, xã đảo Tiên Hải (TP.Hà Tiên) xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, hằng ngày phải vận chuyển bình quân 700 m3 nước sạch từ đất liền ra đảo cung cấp cho người dân sử dụng, sinh hoạt.
Từ đầu tháng 3.2024 đến nay, hạn hán gay gắt, nước trên các kênh trong vùng đệm U Minh Thượng khô cạn dẫn đến sạt lở, sụt lún đường giao thông, nhà ở, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân 2 xã An Minh Bắc, Minh Thuận của H.U Minh Thượng.
Theo UBND H.U Minh Thượng, tính đến ngày 1.5, toàn huyện xảy ra 404 điểm sạt lở, sụt lún đường giao thông, với tổng chiều dài hơn 10 km. Trong đó, tuyến đường tỉnh 965 xảy ra 56 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài hơn 1,8 km và đường giao thông nông thôn xảy ra 348 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài 8,5 km. Ngoài ra, có 38 căn nhà bị sạt lở, sụt lún, ước tính thiệt hại gần 5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hai (ngụ xã Minh Thuận, H.U Minh Thượng) cho biết: "Chưa năm nào người dân ở đây lo lắng và thấy cảnh hạn hán như năm nay. Đường sá bị sụp, đứt đoạn nhiều nơi, đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian. Giờ ai có nhà cặp mé kênh đều lo sợ sụt lún đất, nhà cửa hư hỏng".
Đảm bảo nước sinh hoạt, tưới tiêu
Tỉnh Kiên Giang đã tăng cường chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên các giải pháp đảm bảo về cấp nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Theo ông Đoàn Chí Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã có nhiều giải pháp công trình để ứng phó. Trong đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn và phối hợp Công ty Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư các công trình NN-PTNT tỉnh đã thi công đập tạm trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, H.Kiên Lương; đồng thời phối hợp vận hành cống, âu thuyền Vàm Bà Lịch (H.Châu Thành) để ngăn mặn khi triều cao và rút mặn khi triều xuống đảm bảo phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân trong khu vực. Còn tại các huyện An Biên, An Minh, thuộc vùng bị ảnh hưởng hạn mặn, cũng đã triển khai đắp mới và gia cố 27 đập đất ngăn mặn để bảo vệ lúa và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.
Để đảm bảo nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp các địa phương trong tháng 5 này thực hiện cấp phát 6.700 bồn chứa dung tích 1.000 lít cho người dân TP.Hà Tiên và các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Châu Thành và Kiên Hải.