Có một TP.HCM chậm rãi, từ tốn như thế…
Sớm cuối tuần, tôi ghé thăm quán cà phê vợt ở số 330/2 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) nổi tiếng ở TP.HCM. Mới 8 giờ sáng nhưng lượng khách ra vào tấp nập, chỗ ngồi kín mít, chủ quán làm không ngơi tay. Tôi gọi một ly cà phê vợt nguyên chất và 1 ly cà phê sữa đá để uống thử, đây là 2 món bán chạy nhất của quán trong mấy thập kỷ qua.
Ngồi cạnh tôi là mấy người đàn ông đứng tuổi đang thưởng thức ly cà phê của mình một cách sành điệu. Trong đó có ông Nguyễn Thế Huân (72 tuổi, ở Q.Phú Nhuận), một thầy giáo đã về hưu, là khách quen của quán hơn 30 năm qua.
Ông Huân chia sẻ rằng thú vui uống cà phê vợt tán gẫu với nhau là một nét văn hóa rất riêng của người TP.HCM. Loại cà phê này có cách pha chế và hương vị rất khác, không giống với bất kỳ loại cà phê pha phin nào hiện nay.
Lý giải về cái tên cà phê vợt, ông Huân cho biết cà phê này được pha bằng một chiếc vợt có vải khá dày, nấu đi nấu lại trong các siêu, ấm từ 3 đến 4 lần. Khi uống sẽ cảm nhận được vị đắng xen lẫn chút mùi khói đặc trưng. Điểm đặc biệt, cà phê vợt không bị đắng nhẫn, hậu vị để lại trong cổ họng rất dễ chịu.
“Cà phê vợt còn được gọi là cà phê kho hay cà phê chồm hổm. Ngoài công thức khác lạ thì cách thưởng thức cũng phải khác. Sống ở TP.HCM phải uống cà phê vợt, ngồi lề đường, nhìn xe dòng xe tấp nập, hứng cái nắng, cái gió của trời. Dù đã thử qua đủ loại cà phê nội, cà phê ngoại, tôi vẫn thấy đây là cà phê chuẩn vị nhất”, ông Huân nói.
Nhâm nhi ly cà phê vợt vào sáng sớm, chậm rãi nhìn ngắm dòng người qua lại dường như đã trở thành thói quen của ông Huân trong mấy chục năm qua. Mấy người bạn xung quanh ông cũng thế, ai cũng ghiền cà phê vợt và ghiền cái cảm giác được sống trong một TP.HCM chậm rãi, từ tốn, không xô bồ, chen chúc.
Nét riêng của người ghiền cà phê vợt
"Bạn cà phê" của ông Huân là ông Nguyễn Minh Trọng (71 tuổi, ở Q.Phú Nhuận). Ông Trọng có những quan sát và phát hiện rất thú vị về văn hóa uống cà phê vợt của người TP.HCM.
Ông Trọng bắt đầu uống cà phê vợt từ năm 16 tuổi, hầu như ngày nào cũng phải uống 2 ly mới “đủ đô”. Ông bảo không chỉ riêng ông mà nhiều người TP.HCM cũng mê đắm món này, ngày nào cũng phải “bơm” cà phê vào người mới sống khỏe, sống vui được.
“Tôi ngồi uống cà phê ở đây mấy chục năm, có một điểm rất thú vị mà tôi nghĩ ít ai để ý. Đó là tất cả những vị khách khi dừng xe lại mua, khoảnh khắc cầm được ly cà phê trên tay thì họ phải cho vào miệng uống một hơi thật đã, sau đó mới tính đến chuyện trả tiền. Có người vội vã đi làm, cũng tranh thủ uống một hơi hết sạch để thỏa được cơn thèm”, ông Trọng nói rồi cười một tiếng giòn tan.
Ông Trọng còn bật mí thêm, bạn uống cà phê không giống như bạn nhậu. Bạn nhậu thì phải quen thân, có chung chủ đề thì nói chuyện mới dễ. Còn bạn cà phê thì quen hay lạ gì cũng được, chỉ cần ly cà phê đen trên tay, kéo cái ghế xích lại gần nhau thì trở thành bạn. Hiếm có ai đi nhậu một mình, còn đi uống cà phê một mình thì không có gì lạ bởi khi đó ta được tự do ngẫm nghĩ trong vùng trời riêng của mình.
“Chúng tôi uống cà phê ở đây với nhau, xem nhau như anh em trong nhà. Không hề có sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo. Thầy giáo, hưu trí, kỹ sư, giám đốc công ty, dân lao động… đều đủ cả. Ly cà phê vợt giá cả phải chăng, ai cũng có thể uống, có thể mua, mà nhằm khi ai khó quá, chúng tôi chiêu đãi luôn cũng không ngần ngại gì”, ông Trọng nói rồi hớp một ngụm cà phê thật sảng khoái.
Nói đoạn, ông Trọng vẫy tay chào ông Nguyễn Lộc (68 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) và giới thiệu đây là bạn cà phê của mình. Ông Lộc nói đùa: “Chẳng cần giới thiệu chi cho mất công, vì những người mê cà phê vợt đều có những điểm chung rất giống nhau: cách ăn mặc thoải mái, phong trần, răng nhuộm vàng màu cà phê và hơn nữa là lúc nào cũng yêu đời”.
3 đời giữ vị cho cà phê vợt
Quán cà phê vợt 330/2 Phan Đình Phùng mà tôi đến có tuổi đời đã hơn 60 năm, là một trong những quán cà phê vợt ít ỏi còn sót lại ở TP.HCM. Để giữ đúng hương vị cà phê vợt xưa, anh Phạm Văn Quý (51 tuổi) là con cháu đời thứ 3 trong nhà đã quyết tâm kế nghiệp ba mẹ của mình.
Theo lời anh Quý, quán do ông nội của anh mở từ năm 1954, đến năm 1975 thì ba mẹ anh kế nghiệp, vài năm trở lại đây thì đến lượt anh và các anh chị em trong nhà thay thế. Trước đây, quán chỉ hoạt động vào ban ngày nhưng bây giờ lượng khách ngày càng đông nên cả nhà thay phiên nhau bán 24/24.
Anh Quý cho biết cà phê vợt của nhà anh được làm thủ công 100%. Cà phê được thu mua từ các mối quen, sau đó rang xay, sàng lọc nhiều công đoạn, pha theo công thức gia truyền, bảo đảm không lẫn tạp chất. Đó là điều giúp quán giữ chân được mối quen trong mấy chục năm qua, có những người khách thân thương như người nhà, sẵn sàng đợi cả tiếng để mua, thậm chí xắn tay vào phụ.
Khách của quán thì rất đa dạng, mỗi ly cà phê chỉ từ 10.000 - 22.000 đồng nên ai cũng có thể dễ dàng mua uống.
“Quán tôi có chỗ thú vị thế này, các chú bác lớn tuổi đến đây để tìm lại những ký ức xưa của mảnh đất này, hàn huyên chuyện cũ. Còn người trẻ đến đây vì muốn được hòa mình vào đời sống bình dân, thú vị hoặc là khi họ đã quá chán với không gian làm việc máy lạnh, với những ly cà phê giá mấy chục, mấy trăm nghìn. Người nước ngoài có khi cũng mê mệt cà phê, mua cả ký để dành mang về nước”, anh Quý nói.
Anh Quý cũng chia sẻ thêm, nhìn vào sự thay đổi của cà phê và khẩu vị khách hàng cũng có thể đánh giá được sự phát triển của đời sống. Ngày xưa chỉ có cà phê đen và sữa, bây giờ thì bán thêm một số loại mới như cà phê sữa tươi, trà đào, sâm đường phèn. Quán bán thêm để phục vụ những khách không uống được cà phê nhưng lại thích không khí ở đây. TP.HCM ngày càng phát triển, hội nhập, quán luôn cố gắng giữ vị cho cà phê vợt, giữ một nét Sài Gòn xưa cũ nhưng cũng phải phát triển, làm mới thì mới tồn tại lâu dài được.
Giữa TP.HCM hiện đại, năng động, vẫn còn đó một nét văn hóa uống cà phê vợt rất riêng, độc đáo. Anh Nguyễn Bá Luân (31 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cảm nhận: “Là một người trẻ, tôi rất thích cái cảm giác uống cà phê vợt, nhìn ngắm đường phố vào ngày cuối tuần. Uống cà phê ở đây cũng là một cách để cảm nhận TP.HCM ở một khía cạnh khác, chầm chậm, nhẹ nhàng, hoài niệm”.
Điểm đặc biệt ở quán cà phê vợt khiến nhiều bạn trẻ có phần “lao đao”, đó là quán không nhận chuyển khoản. Anh Quý mong khách hàng có thể hiểu và thông cảm, vì mọi người trong nhà anh đã lớn tuổi nên không rành công nghệ, lượng khách đông khó kiểm soát nên chỉ có thể nhận tiền mặt.