Về pháp lý dự án, tháng 2.1996, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc đầu tư dự án chung cư Gia Phú của Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 (thuộc UBND Q.6) với quy mô 84 căn hộ, gồm 2 khối nhà 1 trệt 4 lầu.
Hơn 2 năm sau, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi 1.590 m2 đất, giao cho Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 gần 1.460 m2 để xây dựng chung cư Gia Phú, phần còn lại dùng để mở rộng đường.
Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 sau đó cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP đầu tư Bình Phú. Đến năm 2015, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn tiếp nhận dự án chung cư Gia Phú từ Công ty CP đầu tư Bình Phú.
Về tình hình thực hiện dự án, chủ đầu tư trước đây (Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Q.6 và Công ty CP đầu tư Bình Phú) tự thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân để thực hiện dự án. Theo báo cáo của UBND Q.6, đến nay đã hoàn thành bồi thường toàn bộ 63 sạp chợ và 22/28 trường hợp nhà ở. Trong gần 1.460 m2 cần thu hồi, có khoảng 260 m2 đang được các hộ dân sử dụng, phần lớn diện tích sau khi thu hồi hiện bỏ trống, bên ngoài quây tôn.
Liên quan đến quy hoạch, cuối năm 2017, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư liên phường 1 - 2 (Q.6). Theo đó, một phần diện tích tại dự án chung cư Gia Phú thuộc quy hoạch đất nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ, một phần có thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tăng số tầng cao).
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn cho biết chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân để thực hiện dự án nên không phải đóng tiền thuê đất. Khi hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất, cấp chủ quyền và các thủ tục để triển khai dự án.
Cũng liên quan đến dự án này, hồi năm 2017, UBND Q.6 kiến nghị xem xét lập thủ tục thu hồi khu đất giao cho địa phương đầu tư xây dựng mới trường mầm non. Tuy nhiên, khi làm việc với đoàn thanh tra, Tổng công xây dựng Sài Gòn kiến nghị được tiếp tục thực hiện dự án.
Theo kết luận thanh tra, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn sau khi tiếp nhận vào năm 2015 đã không tiếp tục triển khai dự án dẫn đến dự án kéo dài, vẫn còn 6 trường hợp chưa đền bù xong. Ngoài ra, việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu dẫn đến quy mô dự án không còn phù hợp, còn địa phương lại có đề xuất xây dựng trường mầm non.
Do vậy, Sở TN-MT cho rằng Tổng công ty xây dựng Sài Gòn phải có trách nhiệm rà soát, đề xuất phương án xử lý khả thi, phù hợp tình hình hiện nay về quy hoạch, bồi thường, hiện trạng sử dụng. Trong trường hợp việc thực hiện dự án không khả thi, cần xem xét ý kiến của địa phương để bố trí sử dụng hiệu quả, đảm bảo việc quản lý của nhà nước và quyền của người sử dụng đất có liên quan.