Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) đối với người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Trước đó, cử tri TP.Hà Nội phản ánh hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế khi có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp. Cử tri đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi nâng mức thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế TNCN tối thiểu từ 18 triệu đồng/tháng.
Tương tự, cử tri Trà Vinh đề nghị tăng mức quy định đóng thuế TNCN từ 11 triệu lên 15 triệu đồng vì trong tình hình kinh tế hiện nay lương tăng, giá cả tăng… nên thu nhập chưa đảm bảo. Mức GTGC hiện nay được đánh giá là chưa thật sự phù hợp với mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân của cán bộ, công chức, người lao động. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN cho phù hợp với thực tế đời sống hiện nay sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Từ những phản ánh trên, các đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Trà Vinh kiến nghị mức GTGC để tính thuế TNCN nên tăng lên từ 15 - 18 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế.
Trước đó, một số cử tri cũng đã phản ánh với các đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Trả lời cử tri, Bộ Tài chính giải thích theo quy định của luật Thuế TNCN, chỉ số tiêu dùng (CPI) biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất (năm 2020) nên chưa thể điều chỉnh mức GTGC. Thêm vào đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng là từ 0,5 - 1 lần. Đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức GTGC đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay. Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng. Trả lời của Bộ Tài chính không nhận được sự đồng tình của người nộp thuế, cử tri cũng như các chuyên gia kinh tế...
Thuế TNCN lỗi thời là vấn đề "nóng" trong những năm gần đây, Quốc hội cũng đã có nhiều phiên thảo luận, nhưng luật vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp.
Quá lỗi thời
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng luật Thuế TNCN không còn phù hợp tình hình thực tế. "Mỗi tháng thu nhập eo hẹp, chi tiêu còn phải tính toán kỹ lưỡng, vậy mà vẫn phải đóng thuế TNCN theo mức như hiện nay là chưa phù hợp. Việc điều chỉnh chính sách thuế cần được xem xét lại một cách cấp thiết", BĐ Khánh Hằng mong mỏi.
BĐ Trung Kiên ý kiến: "Giá điện nước, học phí, viện phí, chi phí sinh hoạt... cứ tăng dần đều hằng năm, nhưng mức giảm trừ gia cảnh 10 năm nay vẫn vậy. Chính sách thuế TNCN hiện hành đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội. Cần có những điều chỉnh kịp thời để giảm bớt gánh nặng cho người dân".
BĐ Thanh Vũ viết: "Người lao động đang phải đối mặt với tình trạng gánh nặng thuế TNCN quá cao, trong khi nhiều khoản chi tiêu thiết yếu như nhà ở, y tế, giáo dục... lại không được khấu trừ. Điều này cho thấy chính sách thuế hiện hành đang gây ra sự bất hợp lý và cần được điều chỉnh ngay".
"Thuế TNCN đang làm giảm động lực làm việc của người dân. Cần có những thay đổi để khuyến khích người lao động làm việc và sáng tạo", BĐ Bích Thùy thẳng thắn.
Cấp bách sửa quy định
BĐ Phương Thoa cho rằng việc sửa đổi thuế TNCN là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân. "Không thể trì hoãn việc sửa đổi luật Thuế TNCN nữa. Chúng ta cần một luật thuế hiện đại, phù hợp thực tế và đáp ứng được các yêu cầu của xã hội", BĐ này góp ý.
BĐ Nguyễn Hằng nêu: "Chờ đến cuối năm 2026 mới sửa đổi thuế TNCN là quá lâu. Chúng ta cần một giải pháp nhanh chóng và hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề tồn tại trong hệ thống thuế TNCN hiện hành, được đánh giá là quá lỗi thời".
"Việc quy định mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế cuộc sống, nhất là tại các đô thị lớn, nơi mà chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người dân, kể cả những người có mức thu nhập trung bình, vẫn phải chịu gánh nặng thuế, trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Rõ ràng, chính sách thuế TNCN hiện hành đang bộc lộ những hạn chế nhất định và cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Theo tôi, cần sửa ngay trong năm 2025", BĐ Nguyễn Bình đề nghị.
* Lương cơ bản tăng, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng thì việc tăng lương mới có ý nghĩa. Nhiều trường hợp thu nhập sau tăng lương thấp hơn khi chưa tăng lương do nộp thuế.
Bich Thuy
* Căn cứ lấy giá tiêu dùng tăng 20% hoài vậy, đã nói là lỗi thời rồi, luật phải vào thực tiễn cuộc sống thì mới là luật. Mà giá tiêu dùng phải tăng 20% của mấy trăm mặt hàng là điều rất phi lý.
Khanh Khoa