Vừa xếp lại áo quần, bà Dung vừa nhìn ra phía ngọn núi nơi xuất hiện những vết nứt lớn, hồi hộp: "Nhìn cây xanh phủ vậy thôi chứ trên đó có vết nứt lớn xuất hiện nhiều năm nay, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào".
Sống nhiều năm tại đây, cứ vào mỗi mùa mưa bão là bà Dung và hơn 30 hộ dân khác mất ăn mất ngủ, lo thu dọn đồ đạc để đến nơi khác tránh trú.
"Chỉ cần mưa nhỏ, gia đình tôi phải thu dọn đồ chạy đến nhà người quen ở nhờ. Hôm nay nắng lên mới dám quay về, nhưng tôi vẫn sợ vết nứt đó làm sập cả tảng núi. Nếu sập, sẽ vùi lấp hết. Bây giờ nhà ở đây thì buộc phải về thôi, biết làm sao bây giờ?", bà Dung than thở.
Nhiều người địa phương kể, năm 2008 ngọn núi này từng xảy ra vụ sạt lở, đất tràn vào nhà một hộ dân, gây thiệt hại vườn tược, rất may chưa thiệt hại về người. Sau khi xảy ra vụ việc, vì quá lo lắng, gia đình này bỏ đi nơi khác sinh sống.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Hữu Bình, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, cho biết địa phương đang theo sát tình hình mưa bão để chủ động trong việc sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo ông Bình, điểm sạt lở tại núi Phú Gia đang có vết nứt lớn rộng 3 - 4 m, dài 50 m. Hiện trạng này xuất hiện từ lâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, nhất là mỗi khi mùa mưa đến. Dưới chân núi có 32 hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng, đa phần là công nhân, làm nghề tự do nên đời sống vô cùng khó khăn.
Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết thêm, qua nhiều lần báo cáo tình hình và kiến nghị, hiện các ngành chức năng đã thống nhất phương án di dời và tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng này.
"Vừa rồi, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bố trí 64 tỉ đồng để di dời dân, đồng thời tạo mảng xanh tại khu vực cũ. Hy vọng trong tương lai gần, người dân sẽ được bố trí đến nơi ở mới để sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi vẫn đang theo sát để hỗ người dân sơ tán đến nơi an toàn mỗi khi có mưa bão", ông Bình nói.