Chào đón đoàn sinh viên, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS đã giới thiệu về quá trình thành lập và quy trình xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, như nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế…
Hiện mỗi ngày, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 tấn rác cho TP.HCM theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác mà VWS xử lý mỗi ngày chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải mỗi ngày của TP.HCM. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Bên cạnh đó, Công ty VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, hiện đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.
Ông Kevin Moore cũng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình vận hành, xử lý rác, nước thải và giới thiệu về quy trình vận hành và xử lý chất thải. Sau đó, đoàn sinh viên đi tham quan, tìm hiểu thực tế về các quy trình xử lý chất thải, nước rỉ rác, công nghệ biến rác thành điện tại đây.
Bày tỏ hào hứng sau chuyến tham quan, bạn Tạ Bảo Long, sinh viên năm 2 khoa Lịch sử và Việt Nam học cho biết, đây là lần đầu được đến thăm Công ty VWS nhưng đã biết đến công ty từ rất lâu, vì đây là một trong những đơn vị xử lý rác thải quy mô nhất của TP.HCM.
"Trước khi đến tham quan bãi rác, em nghĩ rằng rác sau khi được tập kết về bãi sẽ chỉ được chôn lấp và đậy bạt, nhưng không ngờ lại có hệ thống xử lý rất hiện đại, bài bản. Đây là điều rất mới mà em học được sau chuyến tham quan thực tế", Long cho biết.
Còn bạn Ngô Anh Thư, sinh viên năm 2 chuyên ngành Nghiên cứu xã hội nói, sau chuyến thăm nhà máy, giáo viên sẽ yêu cầu sinh viên viết một bài báo cáo cách nhà máy xử lý rác, cũng như áp dụng những gì mình đã học như xử lý nước, chất thải rắn… Sinh viên sẽ so sánh những kiến thức trên giảng đường và thực tế có gì giống và khác nhau, từ đó xem xét có thể làm gì để có giải pháp xử lý những vấn đề tồn đọng liên quan đến việc xử lý rác thải.
"Em rất bất ngờ trước sự sạch sẽ cũng như quy mô của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Dù chỉ mới đi tham quan một vòng, nhưng em đã cảm nhận được sự đầu tư bài bản, các quy trình xử lý đều chặt chẽ, khoa học tại Công ty VWS. Bên cạnh đó, Công ty VWS cũng quan tâm đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, đảm bảo môi trường cho người dân sống xung quanh. Em mong ước ở Hà Nội quê em cũng sẽ có khu xử lý rác như thế này, nhằm góp phần giải quyết vấn đề rác thải, môi trường cho người dân xung quanh", Thư bộc bạch.
Bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp chu đáo của Công ty VWS ngay trong ngày cuối tuần, TS Nguyễn Thị Huyền Trang, giảng viên bộ môn Khoa học tích hợp, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho biết, đoàn sinh viên lần này có 46 bạn thuộc những bộ môn khác nhau. Trong đó có những sinh viên mới năm 1, năm 2 chưa có chuyên ngành; những sinh viên chuyên ngành môn Khoa học tích hợp và nhiều chuyên ngành khác nhau như Kinh tế, Xã hội học, Tâm lý học… cũng hào hứng tham gia.
"Mục đích chuyến tham quan thực tế nhằm tìm hiểu rác thải là nguồn tài nguyên quý giá, hiểu được cấu trúc một nhà máy chất thải rắn, cấu trúc nhà máy xử lý nước rỉ rác như thế nào. Mong rằng qua chuyến tham quan thực tế này, các bạn sinh viên sẽ học được nhiều điều bổ ích và sẽ viết bảng thu hoạch sau khi đến Công ty VWS", TS Huyền Trang chia sẻ.
Nhiều lần đưa đoàn sinh viên Trường đại học Fulbright Việt Nam đến Công ty VWS, TS Huyền Trang cho biết luôn được công ty đón tiếp nhiệt tình. Nhất là khi lớp không tham quan được vào các ngày trong tuần, chỉ có thể đến vào thứ bảy nhưng luôn được Ban giám đốc Công ty VWS sắp xếp thời gian để chia sẻ, giải đáp tất cả những thắc mắc của các bạn sinh viên. Điều đó rất tuyệt vời và vô cùng trân quý.
Nhiều năm qua, Công ty VWS và Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thường xuyên đón tiếp các khóa sinh viên, y bác sĩ, học sinh tiểu học, trung học, học sinh và sinh viên trong nước và quốc tế… đến tham quan, tìm hiểu về quy trình và công nghệ xử lý rác thải. Qua đó, giúp mọi người và xã hội nhìn thấy rõ hơn trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.