Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch và phân công các đơn vị liên quan cụ thể hóa các nội dung định hướng lớn trong phát triển ngành nông nghiệp, dự kiến phân kỳ kinh phí đến năm 2030.
Đồng thời, Sở NN-PTNT TP.HCM đã tích hợp các định hướng, phân bố không gian phát triển nông nghiệp của chương trình vào Hợp phần số 01 và Hợp phần số 26 của Quy hoạch chung TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2060. Hiện nay, đơn vị đang tập trung xây dựng phương án thủy lợi giảm ngập thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo cấp huyện tự đánh giá, có 3/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) đạt 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ở cấp thành phố, Sở đã tham mưu UBND TP.HCM kết quả thực hiện các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, hội nghị lần này của ngành nông nghiệp TP.HCM rơi vào thời điểm đặc biệt, khi cả nước đang tập trung nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài chủ trương này và ông Hoan chia sẻ, động viên người lao động của ngành trước việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị.
Theo ông Hoan, TP.HCM là một thành phố đa dạng về điều kiện tự nhiên, sau 50 năm thống nhất đất nước, ngành nông nghiệp TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực. Diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 50% diện tích đất của thành phố.
"Chúng ta tự hào tiềm năng nông nghiệp thành phố còn lớn, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm. Ngành nông nghiệp có hướng chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái kết hợp với nông nghiệp du lịch. Đây là con đường đi hoàn toàn rõ ràng, làm cho nông nghiệp thành phố có chất mới", ông Hoan đánh giá.
Ngành nông nghiệp đồng hành cùng quy hoạch chung của TP.HCM
TP.HCM là trung tâm nghiên cứu chuyển giao những thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, do đó ông Võ Văn Hoan đề nghị Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM và Trung tâm Công nghiệp sinh học TP.HCM tiếp tục đồng hành cùng nông dân thành phố, và hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp cho các địa phương khác và cho vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Hoan đánh giá hạ tầng nông thôn tại TP.HCM đều hoàn chỉnh từ điện, đường, trường, trạm. Diện mạo nông thôn có thay đổi, đời sống nông dân được nâng lên.
"Có thể nói, 50 năm qua ngành nông nghiệp đã có những bước bứt phá nhưng vẫn có thách thức. Hiện ngành còn chậm trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Có lẽ là người nông dân TP.HCM đang đứng ở ngã ba đường, lựa chọn con đường đi phù hợp, thiếu hụt lao động nông nghiệp, vấn đề thủ tục hành chính, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…", ông Hoan nhận định.
Trong xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới, ông Hoan đề nghị ngành nông nghiệp TP.HCM phải có sự thay đổi, phải là ngành nông nghiệp xanh. Nếu không có nông nghiệp xanh, nông nghiệp không chất lượng thì sẽ không có nền kinh tế xanh được.
Trong năm 2025, lãnh đạo TP.HCM đề nghị ngành nông nghiệp phải xây dựng các đề án phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể theo Quy hoạch chung TP.HCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Các huyện của TP.HCM phải khẩn trương phê duyệt các quy hoạch chi tiết và quy hoạch của từng phân khu để kịp tiến độ thực hiện các quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời tập trung xây dựng đầu tư hạ tầng để hình thành trung tâm phát triển của các huyện, đặc biệt là giao thông. Có như vậy, sau 5 năm nữa, TP.HCM sẽ có thêm 4 thành phố vệ tinh", ông Hoan nói.