Anh Đinh Văn Trúc, cán bộ văn phòng UBND xã Sơn Bua (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi), nhớ như in vụ sạt lở núi vùi lấp cả làng Mang Hin (thôn Mang He, xã Sơn Bua) vào ngày 27.10.2020. Đêm trước ngày xảy ra sạt lở, anh Trúc ở lại với người dân Mang Hin, vận động người dân di dời đến Trường mầm non Tu Kpan.
Sáng 27.10.2020, khi mưa bắt đầu trút xuống, nước lũ bao vây Trường mầm non Tu Kpan, anh Trúc lại chạy đi tìm nơi tránh trú mới. Anh dẫn theo 15 hộ (40 nhân khẩu) đến ngọn núi phía đông của làng. Vừa tới nơi thì ngọn núi phía tây hướng về làng Mang Hin đổ ầm xuống, cuốn trôi cả làng. Quyết định của anh Trúc đã kịp thời cứu sống tất cả người dân làng Mang Hin. "Sau vụ sạt lở núi, người dân làng Mang Hin được bố trí tái định cư tại nơi ở mới. Làng Mang Hin cũ giờ chỉ còn cây cỏ dại, không ai đến ở hay canh tác vì sợ sạt lở núi có thể xảy ra lần nữa. UBND xã Sơn Bua cũng cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm", anh Trúc cho hay.
Theo ông Cao Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, hiện các ngọn núi quanh khu dân cư Nước Toa, thôn Mang Tà Bể, nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ năm nay. Những ngọn núi này cao 300 - 500 m, từng sạt lở vào các năm 2006 và 2019. Khu vực này có khoảng 58 hộ dân sinh sống, trong đó 25 hộ nguy cơ cao nhất. Mỗi lần có thông tin mưa bão, địa phương đều di dời họ đến vùng an toàn như trường học, UBND xã. "Về lâu dài, cần có phương án tái định cư cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão", ông Chung đề nghị.
DI DỜI, DỰ TRỮ NHU YẾU PHẨM
Tuyến đường gần nhất vào thôn Tre (xã Trà Tây, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) là ĐT622 dài khoảng 3 km và di chuyển đến các tổ trong thôn thêm khoảng 14 km. Cuối năm 2023, sau những ngày mưa lũ, tuyến đường đất này bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành hố sâu gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại.
Anh Hồ Văn Bình (ở thôn Tre, xã Trà Tây) cho biết mùa mưa đường sá rất khó đi, giao thông bị chia cắt, cô lập nhiều tổ trong thôn Tre. Sau mưa lũ, đất đá trồi lên, đi dễ trượt ngã, nguy hiểm. Đường đất hình thành rãnh lớn, khoét sâu, các xe tải chở gỗ keo không thể chạy vào thôn Tre còn xe máy di chuyển rất khó khăn giữa những rãnh đường lởm chởm đất đá. Mưa lũ gây sạt lở núi, người dân sống bên sườn đồi rất lo sợ. "Hàng chục năm qua, 220 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu ở thôn Tre chỉ có đường đất băng qua rừng để đi ra ngoài nên cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, sạt lở thì luôn rình rập", anh Bình nói.
Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Trà Tây, cho biết trước mưa lũ, chính quyền địa phương lên phương án tập trung di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đến nhà văn hóa thôn, trường học... Riêng thôn Tre, cơ quan chức năng vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm vì vào mùa mưa, tuyến đường vào thôn sẽ bị sạt lở, gây cô lập.
"Xã Trà Tây có 3 điểm nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, gồm tổ 3 (thôn Tây), tổ 7, 8 (thôn Vàng) và thôn Bắc Dương. Nơi đây có khoảng 70 hộ dân sinh sống. Đến mùa mưa lũ, chính quyền địa phương sẽ thành lập các tổ phòng chống thiên tai ở các thôn nhằm nắm bắt tình hình, trực chỉ huy để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn một cách nhanh nhất", ông Long cho biết thêm.
Theo ông Đinh Trường Giang, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Tây, sau cơn bão số 3, lãnh đạo H.Sơn Tây đã cho rà soát tất cả các điểm sạt lở theo phương án huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, rà soát điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ nguy cơ sạt lở. Qua đó, phân công bố trí lực lượng túc trực, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chọn địa điểm như trường học có nhà bán trú, nhà ở kiên cố để thực hiện di dời, xen ghép.
"Sau khi rà soát, toàn H.Sơn Tây có 6 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 1 với 53 hộ/189 khẩu; có 32 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 2 với 233 hộ/896 khẩu và 2 điểm có nguy cơ sạt lở cấp độ 3 với 28 hộ/105 khẩu", ông Giang nói.
HỎA TỐC RÀ SOÁT SẠT LỞ
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ngãi có 137 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi, lũ quét và 157 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 217.200 m. Nhiều điểm trong số đó có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và hạ tầng thiết yếu của người dân. Ngày 15.9 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ký văn bản hỏa tốc về việc triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi và ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão tại các tỉnh phía bắc. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi) nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, phải có phương án đối phó sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn. Sở Công thương chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra các điều kiện an toàn công trình; tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt...
Nhiều điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các điểm nứt sườn đồi, sườn núi có nguy cơ cao sạt lở. Trong đó, có những điểm đã sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hộ gia đình, như: núi Van Cà Vãi (TT.Di Lăng, H.Sơn Hà), khu dân cư Đăk Dép (xã Sơn Màu, H.Sơn Tây)…
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian tới, diễn biến thiên tai rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh rất lớn. Qua thông tin từ các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lũ xảy ra, nguy cơ ảnh hưởng đến người dân trong khu vực, nhất là tại các huyện miền núi.