Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bờ biển qua địa phận thôn Tân Ninh Châu có nhiều đoạn đã được xây dựng kè chắn sóng nằm dưới mép biển nhưng vẫn không thể ngăn được tình trạng sạt lở bờ biển khi có mưa bão xảy ra. Do bị biển xâm thực nên nhiều cây phi lao phòng hộ tại đây cũng bị sóng biển đánh bật gốc. Nhiều đoạn biển đã tiến sát gần tuyến đê biển Hội Thống (xã Xuân Hội).
Ông Phan Vĩnh Tuy, Trưởng thôn Tân Ninh Châu cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển qua địa bàn của thôn diễn ra từ nhiều năm trước và ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước tình trạng trên, vào năm 2023, chính quyền địa phương đã cho xây dựng kè chắn sóng dài 1,4 km dọc bờ biển với kinh phí gần 15 tỉ đồng để ngăn biển xâm thực.
"Mặc dù kè chắn sóng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, song vào ngày 19.9 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã khiến bờ biển đi qua địa phận của thôn tiếp tục xảy ra sạt lở, có nhiều điểm sạt rất nghiêm trọng, khiến người dân bất an lo lắng. Thời tiết ngày càng cực đoan nên chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có phương án ứng phó để người dân yên tâm sinh sống", ông Tuy nói.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho hay, bắt đầu từ đêm 19.9 đến ngày 20.9, do ảnh hưởng của bão số 4 gây mưa to, sóng mạnh khiến bờ biển qua địa phận của xã này bị sạt lở nhiều điểm.
"Mặc dù nhiều vị trí đã có kè chống sạt lở nhưng vẫn không ngăn được tình trạng biển xâm thực. Hiện nay, không những bờ biển qua thôn Tân Ninh Châu bị sạt lở mà tình trạng này còn xảy ra dọc theo bờ biển của xã. Người dân hết sức lo lắng vì nếu biển ngày càng tiến sâu vào đất liền sẽ gây ảnh hưởng đến tuyến đê biển của địa phương. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đề xuất với cấp trên có giải pháp ngăn chặn sạt lở bờ biển, nhất là khi có mưa bão xảy ra", ông Thành thông tin.