Một ngày làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho nhân khẩu đặc biệt ở TP.HCM

14:43 - 23/09/2024

Cụ Hà Văn Thẳng (102 tuổi, ngụ P.13, Q.6) tuổi đã cao, không thể đi lại. Vì vậy, các chiến sĩ Công an TP.HCM đến tận nhà chụp ảnh chân dung, lấy dấu vân tay, hoàn thành các thủ tục cấp thẻ căn cước cho cụ Thẳng.

Từ khi Luật căn cước 2024 có hiệu lực, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06, Công an TP.HCM) đã lập nhiều tổ cấp thẻ căn cước lưu động, đến tận nơi hỗ trợ các nhân khẩu đặc biệt làm thẻ căn cước. 
Một ngày làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho nhân khẩu đặc biệt ở TP.HCM

Trong quá trình thu thập thông tin sinh trắc học, các chiến sĩ công an luôn tạo không khí vui vẻ để cụ Thẳng hợp tác

ẢNH: THẢO NHÂN

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Ngày 20.9, PV Thanh Niên đã theo các chiến sĩ thuộc Đội 2 (PC06) đến căn nhà nằm sâu trong hẻm 37 đường Bà Hom (P.13, Q.6) để làm thẻ căn cước tại nhà cho cụ Hà Văn Thẳng (102 tuổi).

Vừa thấy các chiến sĩ công an, những người trong gia đình vui mừng, gọi cụ Thẳng: "Ông ơi, dậy đi, các anh công an tới làm thẻ căn cước cho ông nè".

Mấy năm nay, vì tuổi cao, sức yếu, cụ Thẳng phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt thường ngày phải có người chăm sóc. Do đó, 3 chiến sĩ công an phân công nhiệm vụ, từ bố trí chỗ ngồi đến sắp xếp, kiểm tra máy móc để việc thu thập thông tin cấp thẻ căn cước cho cụ Thẳng diễn ra thuận lợi nhất.

Một ngày làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho nhân khẩu đặc biệt ở TP.HCM

Các chiến sĩ công an lấy dấu vân tay của cụ Thẳng

ẢNH: THẢO NHÂN

Vì cụ Thẳng liên tục ngủ nên các chiến sĩ công an phải hỏi thăm gia đình về thói quen sinh hoạt, nề nếp sinh hoạt hằng ngày và cả cách đánh thức cụ... trong quá trình làm thẻ căn cước.

Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, 3 chiến sĩ công an vào vị trí. Người cầm máy, người lăn tay, người thao tác trên máy tính. Vừa làm, các cán bộ vừa trò chuyện, tạo không khí thoải mái để cụ Thẳng hợp tác và bước lăn vân tay khó nhất do tay cụ run song vẫn diễn ra thuận lợi.

Đến bước chụp hình, trung tá Võ Chí Thành cùng với người thân cụ Thẳng đứng trên giường, căng phông. Còn trung tá Đỗ Phúc Hưng cùng trung tá Nguyễn Thanh Hậu đảm nhận nhiệm vụ chụp hình, thao tác trên máy tính.

Các chiến sĩ công an liên tục gọi, trêu đùa để cụ Thẳng tỉnh táo, chụp hình: "Cụ ơi, dậy nè, con chụp tấm hình đẹp nè", "Cụ ơi, công an vô nhà mình làm gì nè", hay "Cụ ơi, người yêu thằng Huy (là cháu ngoại của cụ Thẳng - PV) nó vô nhà thăm nè, dậy coi chắt dâu nè"... 

Sau khoảng 10 phút, các cán bộ công an của PC06 cùng người thân của cụ Thẳng thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành các thủ tục cấp thẻ căn cước cho cụ Thẳng.

Bà Hà Thị Thanh Vân (64 tuổi, cháu ngoại của cụ Thẳng) xúc động: "Những tiện lợi của thẻ căn cước mang lại cho ông ngoại và gia đình thì không thể nói hết. Bữa nay, ông 102 tuổi rồi, được các chiến sĩ công an đến hỗ trợ làm thẻ căn cước giúp, gia đình rất vui, rất hạnh phúc. Xin cám ơn các ban ngành, đoàn thể, cám ơn các chiến sĩ công an đã nhiệt tình đến đây giúp cho ông và gia đình".

Sau khi hoàn thành thủ tục cấp thẻ căn cước cho cụ Thẳng, 3 chiến sĩ thu dọn đồ đạc, tiếp tục đến 2 gia đình khác trên địa bàn Q.6 để thực hiện cấp thẻ căn cước lưu động.

 Vận động người dân làm thẻ căn cước

13 giờ cùng ngày, tổ công tác 3 chiến sĩ lại tiếp tục di chuyển sang trụ sở Công an P.13 (Q.Bình Thạnh) để lấy hồ sơ của 20 nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (463 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh).

Đây là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc cho những người lang thang, không nơi nương tựa, có vấn đề về sức khỏe. Vì nhiều lý do nên họ không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Chung Hùng Bang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, cho biết đa phần những người khi được đưa đến nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm đều không có giấy tờ tùy thân.

"Những người đối tượng nói chung là những người yếu thế, lang thang, không nơi nương tựa. Về sức khỏe, họ là những người cần phải được chăm sóc, nuôi dưỡng để sớm phục hồi. Do đó, việc cấp cấp thẻ căn cước sẽ giúp trung tâm rất nhiều trong việc mua bảo hiểm, phối hợp với bệnh viện để chăm sóc về y tế, phục hồi sức khỏe cho họ", ông Bang chia sẻ.

Cạnh đó, khi sức khỏe hồi phục, những người này sẽ tái hòa nhập cộng đồng. "Có thẻ căn cước sẽ giúp họ thuận tiện hơn trong giao dịch dân sự hằng ngày hay xin việc làm", ông Bang nói.

Trong khoảng 2 giờ, tổ công tác đã hoàn thành thủ tục cấp thẻ căn cước cho 20 nhân khẩu đặc biệt tại trung tâm.

Ông Hoàng Minh Đức (63 tuổi) bày tỏ sự vui mừng khi được hỗ trợ cấp thẻ căn cước: "Tôi đã mất thẻ CCCD, giờ có thẻ căn cước thì sau này tôi về với xã hội, có thể xin việc này kia cũng dễ dàng hay cả bảo hiểm y tế nữa, đi khám bệnh cũng sẽ dễ hơn nhiều".

Một ngày làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho nhân khẩu đặc biệt ở TP.HCM

Ông Hoàng Minh Đức được hỗ trợ làm TCC

ẢNH: THẢO NHÂN


"Các anh công an làm công tác cấp căn cước công dân rất mau lẹ, từ khâu lăn tay đến chụp hình. Thái độ hòa nhã với tôi. Cám ơn các anh rất nhiều", ông Đức xúc động.

Trung tá Võ Chí Thành, Phó đội trưởng Đội 2, cho biết ngay sau khi luật Căn cước 2024 có hiệu lực, đơn vị đã tổ chức nhiều tổ cấp thẻ căn cước lưu động "đi từng ngõ, gõ từng nhà", đến các trung tâm bảo trợ xã hội để cấp thẻ căn cước cho người yếu thế. Tính đến nay đã có 762 trường hợp người yếu thế được làm thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các tổ công tác lưu động.

"Tâm tư của người dân là muốn có một giấy tờ để thực hiện nhu cầu trong cuộc sống là có thẻ căn cước để đi giao dịch dân sự và chữa bệnh. Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi cũng đã cố gắng phối hợp với các ban, ngành liên quan để tổ chức; đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh những thông tin cần thiết, thực hiện cấp căn cước cho các trường hợp yếu thế", trung tá Thành nói.

 

Việc cấp thẻ căn cước cho nhân khẩu đặc biệt là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch số 1878/KH-BCĐ ngày 20.4.2023 của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM về việc phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân, thẻ căn cước đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn thành phố.

Sau 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP.HCM cấp trên 2.500 CCCD và thẻ căn cước cho những người yếu thế trên địa bàn.

Về công tác cấp thẻ căn cước cho người dân thành phố, theo thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng PC06 đã thực hiện "Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế" với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn, thiết thực hơn với đời sống của nhân dân.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...