Hội An thí điểm mô hình 'cân rác thải thu tiền'

08:50 - 22/03/2024

Một địa phương trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) đã thí điểm mô hình 'cân rác thải thu tiền'. Hộ dân nào sử dụng túi rác càng to thì buộc phải trả tiền phí cao.

TP.Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân nhằm hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo luật Bảo vệ môi trường.

Đảm bảo sự công bằng

TP.Hội An đã triển khai phương án thí điểm thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo lượng phát sinh tại P.Cẩm Nam (TP.Hội An).

Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), bước đầu TP.Hội An chọn 450 hộ trên trục đường Nguyễn Tri Phương (P.Cẩm Nam) phân loại tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm.

Hội An thí điểm mô hình

Người dân P.Cẩm Nam thí nghiệm điểm mô hình "cân rác thu tiền"

Cụ thể, chất thải thực phẩm (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ xanh); chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (tự thu gom, xử lý tại nhà) và chất thải rắn sinh hoạt khác (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ đen).

Từ khi triển khai chương trình, các hộ gia đình được mua loại túi ni lông gồm 10 lít, 15 lít, 20 lít và lớn nhất là 40 lít.

Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít giá 5.000 đồng, loại 20 lít 7.500 đồng, loại 30 lít 10.000 đồng và loại 40 lít giá 15.000 đồng.

Với mức thu bình quân 30.000 đồng/hộ gia đình như lâu nay, mỗi hộ thay vì trả tiền mặt thì sẽ mua túi ni lông tương đương với "mệnh giá" 30.000 đồng sẽ mua được 16 túi loại 10 lít, với loại 15 lít thì sẽ mua được 6 túi, loại 20 lít sẽ mua được 4 túi…

Theo ngày luân phiên trong tuần, xe thu gom rác sẽ tới các khu dân cư để chở rác đi. Nhân viên công ty môi trường sẽ bán túi ni lông, người dân sẽ trả tiền tương ứng số túi cần mua.

Theo ghi nhận, trên nhiều tuyến phố, ngõ hẻm, công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải thu gom nhiều túi ni lông thông thường đựng rác không phân loại.

Hội An thí điểm mô hình

Túi đựng rác, thu phí theo thể tích

Nhiều người cho rằng việc thu phí thông qua bán túi chỉ là hoán đổi nên không khác trước đây. Nếu dùng hết số túi được phát, nhiều người vẫn có thể sử dụng túi thông thường hoặc xả rác bên ngoài khu vực thu gom để không phải bỏ tiền mua thêm.

Một số người dân cho rằng, nếu áp dụng hình thức thu phí theo cân nặng, thể tích như đang thí điểm thì số tiền sẽ rất cao. Ai dùng nhiều sẽ phải bỏ tiền nhiều, nhưng họ vẫn rất ủng hộ vì cho rằng đây là sự công bằng.

Đánh vào ý thức bảo vệ môi trường

Bà Huỳnh Phạm Thùy Lan, Phó chủ tịch UBND P.Cẩm Nam, cho biết sau nhiều tháng thí điểm (thí điểm từ giữa năm 2023 - PV), đến nay có hơn 50% hộ dân trên địa bàn phường ủng hộ và sử dụng túi được thành phố bán để chứa rác.

Theo bà Lan, là nơi đầu tiên thí điểm nên trước mắt phường chủ yếu tuyên truyền để người dân có thói quen phân loại rác. Đồng thời, khuyến khích người dân dùng túi nói trên.

Hội An thí điểm mô hình

Thu gom rác theo thể tích được cho là để đánh vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho thí điểm nên từ giữa năm 2023, thành phố đã xây dựng phương án triển khai. P.Cẩm Nam là địa phương đầu tiên thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni lông". 

"Hiện chúng tôi mới thí điểm làm trước tại một phường để rút kinh nghiệm, bước đầu tỷ lệ thành công đạt hơn 50%. Cách thức tính phí thu gom rác theo thể tích dù có nhiều điểm cần hoàn thiện nhưng đây sẽ là xu hướng của tương lai để đánh vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, tại Quảng Nam quy định chung của tỉnh từ trước đến nay là thu phí thu gom rác thải 30.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, khi áp dụng của luật Bảo vệ môi trường từ năm 2025 trở đi là thu theo khối lượng.

"Từ thu phí rác thải theo quy định giờ chuyển qua thu theo khối lượng là một vấn đề không dễ dàng để thực hiện nên cần phải thí điểm. Đây là một vấn đề hoàn toàn mới, dù muốn hay không cũng phải làm. Bởi, luật Bảo vệ môi trường bắt buộc phải thi hành từ ngày 1.1.2025. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay hướng dẫn chi tiết cụ thể về định mức từ Bộ TN-MT vẫn chưa có", ông Hùng thông tin.

Phó chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, đối với thí điểm này thành phố sẽ tính toán, đề xuất để nhân rộng ra nhưng sẽ ở một mức nào đó. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện từ P.Cẩm Nam, từ đó triển khai ra những địa phương khác.

Muốn thu phí rác thì liên quan mật thiết đến phân loại rác tại nguồn. Khi phân loại tốt, mục tiêu giảm rác thải sẽ có. Túi mà TP.Hội An bán cho người dân đã được quy ra trọng lượng, nếu phát thải càng nhiều thì buộc phải nộp tiền rác càng nhiều. Vì vậy, người dân phải giảm phát thải, trong đó rác mềm tự xử lý được sẽ giảm nhiều chi phí hằng tháng cho người dân. Theo luật Bảo vệ môi trường từ ngày 1.1.2025, nếu hộ dân nào không xử lý, phân loại rác thì sẽ bị phạt.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...