"Ngày 20.3 cũng là hạn chót mà chúng tôi để Công ty Đại Sơn tự tháo dỡ. Tuy nhiên, những ngày gần đây, doanh nghiệp này bất ngờ có đơn xin được hiến tặng toàn bộ hệ thống công trình này cho bệnh viện quản lý, sử dụng.
Lý do được doanh nghiệp này đưa ra đó là, họ đầu tư nhiều tiền của vào công trình này, phá đi sẽ rất tiếc. Vì vậy, họ xin được hiến tặng lại cho bệnh viện để bệnh viện có thể tận dụng, thay đổi công năng, phục vụ cho việc khám, chữa bệnh của nhân dân", ông Quản thông tin.
Vẫn theo Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương, Công ty Đại Sơn đề nghị được hiến tặng và không có điều kiện nào đi kèm.
"Đơn đề nghị từ phía doanh nghiệp, chúng tôi đã trình UBND tỉnh Hải Dương để xem xét, quyết định. Nếu UBND tỉnh đồng ý thì sẽ với chủ trương cho giữ lại hệ thống công trình vi phạm để bệnh viện thay đổi công năng, phục vụ khám chữa bệnh thì chúng tôi sẽ làm quy trình tiếp theo. Mặt khác, nếu UBND tỉnh yêu cầu xử lý công trình vi phạm đúng theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế", vị Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương nói thêm.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết về vi phạm trong quản lý đất đai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, khi đơn vị này cắt hàng nghìn m2 cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê, không đúng với mục đích khám chữa bệnh.
Vi phạm này diễn biến hơn 10 năm nay, đã được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương kết luận và chỉ đạo UBND TP.Hải Dương kết hợp với bệnh viện, các sở, ngành khắc phục hậu quả. Đến tháng 8.2023, hầu hết các ki ốt nằm trên mặt đường Thanh Niên giao cắt với đường Yết Kiêu đã được tháo dỡ.
Duy nhất còn lại Công ty Đại Sơn với hệ thống công trình nằm trên 2 mặt đường Yết Kiêu và Lê Quý Đôn chưa được tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho bệnh viện dù được chính quyền gia hạn 3 lần vào các thời điểm tháng 11.9.2023, 29.2 và 20.3.2024.