Linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, gỡ khó cho người dân

15:33 - 08/05/2024

Những đồ án quy hoạch không khả thi cần phải được điều chỉnh kịp thời để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như tạo 'độ mở' cho địa phương sử dụng quỹ đất công.

Ngày 7.5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiến hành giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn giai đoạn từ năm 2010 - 2023. Đến nay, TP.HCM đã phê duyệt gần phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 600 đồ án. Trong giai đoạn 2015 - 2022, TP.HCM dành 254 tỉ đồng để thẩm định, phê duyệt 247 đồ án và hạng mục công việc liên quan đến công tác lập quy hoạch.
Linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, gỡ khó cho người dân

Cần điều chỉnh những bất cập, chồng chéo trong công tác quy hoạch tại TP.HCM để gỡ khó cho người dân

Sỹ Đông

TÌM GIẢI PHÁP CĂN CƠ CHO QUY HOẠCH TREO

Vấn đề quy hoạch treo tiếp tục được các đại biểu nêu ra, đồng thời đề nghị UBND TP.HCM có giải pháp căn cơ để xử lý. Đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, đánh giá trong 13 năm qua, quy hoạch treo là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất vì hạn chế quyền sử dụng tài sản, nhà đất của người dân, không được chuyển mục đích, cơi nới, xây dựng. Ông Phong đề nghị TP.HCM cần làm rõ định hướng xử lý đối với những khu vực quy hoạch mà không thực hiện.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết nhiều khu vực quy hoạch công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh nhưng chưa có nguồn lực triển khai. Ngoài ra, việc chuyển mục đích sử dụng đất trong khu vực đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp dù TP.HCM đã có chỉ đạo nhưng chưa gỡ vướng được.

Quan tâm đến không gian ngầm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc quy hoạch phát triển không gian ngầm rất quan trọng, đối với đại đô thị như TP.HCM thì đây vừa là nguồn lực, vừa là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội. Nêu thực tế nhiều công trình đã hình thành trên mặt đất, nhiều tòa nhà cao tầng đã "cắm rễ" xuống lòng đất, ông Nghĩa đặt vấn đề việc phát triển không gian ngầm sắp tới có gặp bất lợi hay không.

Giải đáp câu hỏi này, Phó giám đốc Sở QH-KT Trương Trung Kiên thông tin không gian ngầm đô thị gồm 2 thành phần là không gian công cộng và không gian ngầm của các dự án, công trình. Những thành phần này sẽ được tính toán để không chồng chéo. Trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM đang điều chỉnh, nội dung về không gian ngầm sẽ được làm đầy đủ. "Đồ án sẽ xác định khu nào khuyến khích phát triển, khu nào cần hạn chế, khu vực nào không được làm cũng như việc kết nối không gian ngầm các công trình với không gian ngầm công cộng", ông Kiên nói.

NGƯỜI DÂN HỎI KHI NÀO MỞ RỘNG ĐƯỜNG THEO LỘ GIỚI?

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết người dân nằm trong quy hoạch lộ giới thường xuyên hỏi khi nào mở đường bởi quyền lợi của họ đang bị hạn chế. "Xin xây dựng thì không cho, mang sổ đi ra ngân hàng thì không nhận, nhà nước muốn đền bù thì không có cơ chế, muốn thực hiện dự án đầu tư công thì lại chưa có vốn để bố trí", ông Cường phân tích. Từ thực tiễn đó, TP.HCM ban hành quy định cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân trong vùng quy hoạch có nhu cầu xây dựng. Dù vậy, việc cấp phép xây dựng tạm cũng phát sinh khó khăn về chính sách bồi thường cho người dân khi thực hiện quy hoạch.

Ông Cường nêu thực tế quy hoạch thường có độ trễ, nhưng quy định pháp luật lại chưa nêu rõ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch thì người dân, địa phương được làm gì. Vừa qua, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép TP.HCM được cấp phép tạm làm bãi giữ xe cao tầng hoặc nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu. Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị quy định cần có "độ mở" để giúp địa phương khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.

Về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Cường cho rằng cần có sự linh hoạt và kịp thời. "Bây giờ rất nhiều người dân có đất trên giấy tờ là đất ở đô thị nhưng quy hoạch làm công trình công cộng. Rất là bất cập", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói. Thông thường những khu vực này sẽ không xây dựng công trình công cộng được vì phải thu hồi đất, nhưng muốn chuyển thành đất ở thì cơ quan chức năng phải làm lại đúng theo quy trình điều chỉnh quy hoạch.

Kết luận buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị cần tập trung cho quy hoạch TP.HCM, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, quy hoạch chung TP.Thủ Đức, quy hoạch không gian biển, đảm bảo quyền lợi người dân.

Về không gian biển, Phó giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực cho biết đã phối hợp Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội lập báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch không gian biển quốc gia với thực trạng và nhu cầu của TP.HCM liên quan đến cảng biển, logistics, dịch vụ cảng biển... TP.HCM đang nghiên cứu quy hoạch không gian biển phục vụ việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ và khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...