Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt tháng 7.2024, tập trung vào trẻ em lang thang, kiếm sống trên đường phố, trẻ em là nạn nhân của bóc lột lao động, bạo hành và các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.
Mục tiêu chính của dự án là nâng cao nhận thức cho người chăm sóc, cung cấp dịch vụ can thiệp và hỗ trợ cho ít nhất 1.000 trẻ em và 2.500 người chăm sóc. Tổng kinh phí dự án gần 12 tỉ đồng cho giai đoạn 2024 - 2028.
Dự án triển khai 10 hoạt động chính nhằm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: tiếp cận và đánh giá ban đầu, cung cấp hỗ trợ tâm lý, học phí, chăm sóc sức khỏe, hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ từ 15 tuổi. Người chăm sóc sẽ được tập huấn kỹ năng và hỗ trợ sinh kế.
Dự án cũng kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em, phát triển sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, quản lý ca và nhân rộng mô hình hiệu quả. Đồng thời, các bên sẽ phối hợp thành lập văn phòng tham vấn để hỗ trợ trẻ và gia đình.
Ông Đỗ Duy Vị, Giám đốc Tổ chức Rồng Xanh, chia sẻ về trải nghiệm cá nhân từng là trẻ lang thang nên ông có một khát khao giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh tương tự. Khi đến TP.HCM, ông nhận thấy nhiều trẻ em vẫn phải kiếm sống trên đường phố, đối mặt với nhiều rủi ro xã hội. Điều này thôi thúc ông và Tổ chức Rồng Xanh nỗ lực, đồng hành cùng các cơ quan trẻ em tại TP.HCM để giúp trẻ thoát khỏi cuộc sống bấp bênh.
Theo ông Vị, mô hình hỗ trợ lần này bao gồm tiếp cận, hỗ trợ trẻ em hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng, học nghề và học đại học, với phương pháp quản lý linh hoạt, cá nhân hóa theo nhu cầu từng trẻ và gia đình.