Giữa trung tâm TP.Đồng Hới, một tòa nhà đã được xây dựng rất bề thế. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, tại công trình không thấy bóng dáng của máy móc, công nhân xây dựng. Công trình đó là trụ sở Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Bình (gọi tắt trung tâm).
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án trung tâm do Sở Y tế Quảng Bình làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Bình (gọi tắt Ban quản lý) quản lý dự án. Công trình được phê duyệt từ tháng 10.2015, khởi công năm 2017 với tổng chi phí gần 50 tỉ đồng (ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh) với quy mô khối nhà chính 5 tầng và các hạng mục phụ trợ. Thời gian triển khai dự án từ 2016 - 2020, sau đó gia hạn đến năm 2022.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, công trình đã thành hình với khối nhà 5 tầng đồ sộ, có hàng rào vây quanh. Tường ngoài ở khối nhà, có mặt đã được ốp đá hoặc sơn màu hoàn thiện, có mặt đã gắn kính… nhưng cũng có mặt chỉ mới tô trét sơ qua. Hệ thống điều hòa cũng đã được lắp đặt ở một số vị trí. Tuy nhiên, phần sân do chưa được xây dựng nên cỏ dại mọc um tùm. Nhiều vị trí tường, nền có dấu hiệu bị xuống cấp, bị bám rêu, bong tróc. Bên trong tòa nhà, ở tiền sảnh có người bảo vệ và các cổng phụ có gác các thanh chắn, đặt biển "cấm vào".
Thông tin từ Ban quản lý cho biết gói thầu xây lắp khối nhà chính và các hạng mục phụ trợ do Công ty CP đầu tư và kinh doanh địa ốc Hà Nội, là nhà thầu dự án, thực hiện khởi công từ ngày 1.6.2017, hoàn thành ngày 1.7.2022. Theo đó, công trình đã cơ bản hoàn thành phần thô và phần hoàn thiện như lát gạch nền, ốp gạch ngoài nhà. Dù đã được gia hạn, nhưng đến 31.12.2022, khối lượng thực hiện gói thầu chỉ mới đạt khoảng 79% hợp đồng.
Về nguyên nhân, Ban quản lý cho biết đầu tiên là do tiến độ thi công gói thầu kéo dài nên giá vật liệu, nhiên liệu có nhiều biến động kèm theo điều chỉnh một số hạng mục làm phát sinh chi phí nên sử dụng hết dự phòng của gói thầu và của dự án. Thứ hai là do nhà thầu thi công gói thầu xây lắp khối nhà chính và các hạng mục phụ trợ chây ỳ, không có các giải pháp quyết liệt, không tập trung nhân lực, máy móc thiết bị nên không hoàn thành theo tiến độ hợp đồng.
Đến thời điểm này, các bên liên quan dù đã từng ngồi lại với nhau nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, nên công trình tiếp tục phơi mưa nắng, chờ… xuống cấp.
TRỤ SỞ PHƯỜNG XÂY 3 NĂM MỚI BIẾT VƯỚNG MẶT BẰNG
Đó là trụ sở của UBND P.Quảng Thọ (TX.Ba Đồn). Công trình được khởi công từ đầu năm 2022 tại tổ dân phố Minh Lợi (P.Quảng Thọ) trên tổng diện tích 2 ha, tổng kinh phí khoảng 15 tỉ đồng gồm các dãy nhà làm việc, hội trường, sân bóng chuyền...
Theo ghi nhận của PV, công trình được thiết kế 2 tầng, hiện đã hoàn thiện phần thô, loang lổ những mảng tường đã được sơn lót và chưa sơn lót. Bên dưới khu vực tầng 1, ngổn ngang gạch vỡ và… phân bò. Trong khi ở phía ngoài sân, cỏ dại mọc um tùm… Việc không được thi công hoàn thiện trong một thời gian dài làm một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp là không quá khó hiểu. Ngoài ra, còn tạo nên cảnh nhếch nhác, xấu xí…
Trớ trêu thay, việc thi công dang dở sau gần 3 năm qua của trụ sở UBND P.Quảng Thọ là do… vướng giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND P.Quảng Thọ Nguyễn Văn Hữu lý giải rằng trước khi khởi công xây dựng công trình trụ sở mới, toàn phường có hơn 7 ha đất 5% (do Nhà nước quản lý). Khi chọn vị trí xây dựng hiện tại (trước đây là đất trồng mía), cán bộ và người dân địa phương đều cho rằng đây là phần đất 5% thuộc quyền quản lý của phường, tuy nhiên kiểm tra lại thì đây là đất nông nghiệp được người dân sử dụng trồng trọt ổn định từ trước tháng 7.2014. Theo quy định thì phải thu hồi, đền bù cho người dân. Việc xác định nhầm nguồn gốc đất là do lịch sử trước đây để lại.
Cũng theo ông Hữu, việc công trình thi công dang dở khiến địa phương gặp khó trong khâu quản lý, nhất là thời điểm mưa lũ, nhiều người dân đưa trâu, bò vào nhốt tạm nên xuất hiện cảnh nhếch nhác trong khu vực công trình…
Tuy nhiên, vị chủ tịch xã này cho biết hiện địa phương đã gần hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng theo quy định; các hộ dân có quyền lợi liên quan cũng đồng ý để công trình tiếp tục được thi công trở lại. "Chúng tôi đang đôn đốc đơn vị thi công huy động nhân lực, phương tiện khẩn trương thi công trở lại công trình trụ sở UBND phường", ông Hữu nói.
TRƯỜNG XÂY XONG, HỌC SINH… KHÔNG ĐẾN
Minh Hóa là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Quảng Bình. Nhưng nhiều cơ sở giáo dục ở địa phương này, dù được xây mới, dù được đầu tư tiền tỉ nhưng vẫn… bỏ hoang đầy lãng phí.
Ví dụ điểm trường mầm non Cầu Roòng (thuộc Trường mầm non xã Hồng Hóa, H.Minh Hóa) được đầu tư 1,7 tỉ đồng, với thiết kế 2 phòng học và phòng bếp từ nguồn ngân sách địa phương. Trường được hoàn thiện và bàn giao sử dụng cuối năm 2018.
Cô Đinh Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2021 - 2022, điểm trường có tổ chức dạy học cho 6 trẻ. Các năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, trường cũng có tuyển sinh nhưng phụ huynh cho con đi học nơi khác nên nhà trường không có học sinh để dạy. Hiện tại, nhà trường đóng cửa điểm trường này. Không sử dụng khiến nhiều hạng mục tại điểm trường xuống cấp khá nghiêm trọng.
Tương tự, tại điểm trường học bản Ka Ai (thuộc Trường mầm non xã Dân Hóa, H.Minh Hóa) được khởi công xây dựng năm 2019 với số vốn hơn 3,3 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, do UBND xã Dân Hóa làm chủ đầu tư. Công trình được thiết kế 2 tầng với 4 phòng học, đảm bảo cho gần 60 học sinh tại 2 bản Ka Ai và Ka Vàng (xã Dân Hóa) học tập. Dù trường đã xây xong từ năm 2021, song việc bàn giao gặp trục trặc, lý do là hạ tầng chưa đồng bộ. Đến khi bàn giao thì phụ huynh không chịu đưa con sang học. Trong khi đó, các học sinh vẫn phải học tạm tại các điểm trường khác, không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học mà còn đi lại khó khăn.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Minh Hóa, thừa nhận cả hai điểm trường nêu trên đều không sử dụng hiệu quả. Thời gian tới, huyện sẽ cùng ngành giáo dục làm mọi cách như tăng biên chế giáo viên, đảm bảo số học sinh tham gia học tại 2 điểm trường để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo thuận lợi cho người dân địa phương.