Từ 19 giờ đến hơn 21 giờ mỗi ngày, có khoảng hơn 300 người dân các xã Mỹ Cát và Mỹ Chánh (H.Phù Mỹ) tập trung đến đây để vớt cá chình con (bạch tử) nổi lên mặt nước.
Do chình con nhỏ hơn cây tăm nên người dân dùng vải mùng và cán cây dài làm vợt, đứng trên bờ hoặc lội xuống nước vớt chình. Sau 21 giờ mỗi ngày, thủy triều rút xuống, chình con cũng trôi theo ra biển.
"Những đêm đầu chình giống xuất hiện, ít người đi vớt nên trong 3 giờ đồng hồ, người vớt được nhiều nhất khoảng 1.000 con, người ít cũng 300 con. Một tư thương ở xã Mỹ Cát thu mua chình giống với giá 2.000 đồng/con để chuyển đi bán cho những cơ sở nuôi chình các tỉnh phía nam. Mỗi tối, gia đình tôi thu được trên 1,5 triệu đồng nhờ đi vớt chình con", ông Phan Đình Đông (ở xã Mỹ Chánh) nói.
Còn ông Đặng Thành Sinh (ở xã Mỹ Cát) cho biết đây là lần đầu tiên chình giống xuất hiện dày đặc tại khu vực đập ngăn mặn An Mỹ. Vớt chình con rất đơn giản, chỉ cần làm cái vợt nhỏ, ngồi trên bờ hoặc lội xuống nước cầm vợt xúc sẽ được.
"Một tuần nay, vợ chồng tôi kiếm trên 15 triệu đồng. Nhờ "lộc trời" mà bà con địa phương có thêm thu nhập", ông Sinh cho biết.
Theo ông Nguyễn Phúc Phụng, Trưởng thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát), chình đẻ trứng ở khu vực thượng lưu sông La Tinh rồi theo những đợt mưa lớn vừa qua trôi ra cửa biển. Sau khi trứng nở, chình con theo triều cường lên thượng lưu. Tuy nhiên, đập ngăn mặn An Mỹ mới xây dựng, đang đóng nên chình con đến đây thì dừng lại.
Đập ngăn mặn An Mỹ được xây trên đoạn sông La Tinh, cách cầu An Mỹ khoảng 190 m về phía thượng lưu. Hiện đập ngăn mặn này đang trong giai đoạn xây dựng.
"Khi đập ngăn mặn An Mỹ được đưa vào sử dụng, không chỉ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới ổn định cho hàng trăm ha đất canh tác nông nghiệp các xã Mỹ Cát và Mỹ Chánh. Đồng thời, tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ nguồn nước ngầm, tạo thuận lợi cấp nước sinh hoạt cho 950 hộ dân; cải tạo môi trường sinh thái, đảm bảo cảnh quan khu vực…", ông Phụng nói.