Với khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon trong giai đoạn từ 2018 - 2030, Quảng Nam hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu, điều kiện để bán tín chỉ carbon rừng ra thị trường thế giới.
Khối 'gia tài' lớn về rừng
Từ khối "gia tài" lớn là 466.113 ha rừng tự nhiên hiện có, ước tính mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD (khoảng 130 tỉ đồng) từ việc bán tín chỉ carbon rừng, góp phần giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đề án bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có (466.113 ha), tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021 - 2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025... Đáng chú ý, sẽ giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.
Tuy nhiên, sau khoảng 3 năm có chủ trương, đề án vẫn chưa thể hoàn thành vì gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ông Hà Phước Phú, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho hay, Quảng Nam chưa có kinh nghiệm khi được cho phép thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng đầu tiên; đồng thời, chưa bảo đảm nguồn lực về kỹ thuật và tài chính. Ngoài ra, quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, hiện nay do chưa có quy định về hạn mức đóng góp cam kết về ứng phó với khí hậu của từng địa phương nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.
Theo ông Phú, trước những khó khăn, vướng mắc đó, đến nay UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hoàn thiện và trình hồ sơ dự án để phê duyệt, phát hành, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, một trong những nguyên nhân khiến đề án bán tín chỉ carbon rừng chưa thể hoàn thành là do không chỉ định đấu thầu, buộc phải đấu thầu.
"Chúng tôi sẽ tích cực "bám" T.Ư để làm việc, sớm tháo gỡ những vướng mắc này. Quảng Nam sẽ tích cực bảo vệ rừng và tin tưởng đến khi bán được tín chỉ carbon thì mỗi năm thu về hơn 100 tỉ đồng. Số tiền này sẽ phục vụ lại cho việc phát triển rừng chứ không làm việc khác. Việc bán thành công tín chỉ carbon rừng sẽ giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng", ông Bửu nói
'Vướng' hành lang pháp lý
Trao đổi với PV Thanh Niên vào sáng 14.3, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết dù được Chính phủ chọn thí điểm về đề án bán tín chỉ carbon rừng trên thị trường tự do, nhưng đến nay địa phương chưa thể triển khai do quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Đây là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Trên thế giới đã thực hiện thành công việc bán tín chỉ carbon rừng, nhưng tại Việt Nam hành lang pháp lý để đảm bảo cho việc bán tín chỉ carbon này chưa có. Ngoài ra, nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon sử dụng vào việc gì, sẽ trực tiếp phục vụ lại cho công tác trồng rừng, bảo vệ rừng hay đưa vào ngân sách để chi cho các hoạt động này... thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau", ông Thanh nói.
Đáng nói, việc xây dựng "đề án mẫu" phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia xây dựng, giúp Quảng Nam chào bán trên thị trường quốc tế... còn lúng túng từ phía các bộ, ngành.
Ngoài ra, đối với việc xác định vùng ưu tiên lưu trữ carbon, quản lý rừng bền vững thì hiện địa phương đang phụ thuộc vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Đồng thời, phải nghiên cứu, triển khai sao cho phù hợp nhất để đảm bảo phát triển rừng bền vững, gắn với đảm bảo kinh tế rừng, phát triển nguồn dược liệu dưới tán rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quá trình thực hiện đề án này có những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan và những hạn chế nhất định. Địa phương hiện đang triển khai xử lý rất nhiều nội dung liên quan đến việc bán tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, thời gian tới tỉnh sẽ tích cực làm việc với các bộ, ngành T.Ư để được hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện cho Quảng Nam xây dựng đề án, đăng ký tham gia bán tín chỉ carbon trên thị trường thế giới.
"Hiện nay, hành lang pháp lý, quy định pháp luật về việc bán tín chỉ carbon chưa được đầy đủ, chưa rõ ràng nên chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan. Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cũng như tương thích với thông lệ quốc tế, để làm sao các địa phương có tiềm năng lớn về rừng có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon", ông Thanh nói.
Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, hiện nay có một doanh nghiệp đã làm việc với địa phương về việc đăng ký trồng rừng gắn với bán tín chỉ carbon. UBND tỉnh đã giao cho Sở NN-PTNT và các địa phương làm việc với doanh nghiệp này để xác định địa điểm trồng rừng, quy mô trồng, cơ chế và phân chia lợi ích, quyền lợi…
"Hiện vẫn đang trong quá trình trao đổi làm việc chứ chưa có phương án cuối cùng giữa tỉnh và doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sẽ trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin thêm.
Tín chỉ carbon là gì ?
Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2, gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+.
Theo đó, chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+. Tín chỉ carbon cũng được xem là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính…