Cụ thể, thời gian gần đây ACV ghi nhận một số thông tin, hình ảnh về một trang web mạo danh tổng công ty với mục đích lừa đảo, trục lợi dưới các hình thức như "xin việc làm", "kêu gọi góp vốn đầu tư", "nộp tiền để trúng các gói thầu"…
"Thậm chí, trong thời gian gần đây, các văn bản giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐQT ACV liên tiếp xuất hiện với nội dung liên quan đến việc tham gia các gói thầu xây dựng sân bay Long Thành và áp dụng quỹ phúc lợi cho nhân viên thuộc ACV...", thông tin cảnh báo cho biết.
Vì vậy ACV khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, không làm theo và từ chối các cuộc điện thoại nghi ngờ lừa đảo. Đồng thời không thực hiện nộp tiền dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến việc xây dựng, khai thác các dự án đầu tư xây dựng mà ACV làm chủ đầu tư, tiêu biểu là dự án sân bay Long Thành.
Theo ACV, các hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình, dự án đều được ACV triển khai theo đúng quy định của pháp luật, thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu đều được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
ACV cũng khẳng định không có chủ trương triển khai hoạt động tuyển dụng chính sách phúc lợi nào cho cán bộ, nhân viên và người lao động thuộc ACV như trong nội dung các trang web đã đưa, cũng như không chủ trương huy động vốn đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào.
ACV là chủ đầu tư dự án thành phần 3, Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, với các hạng mục lớn như nhà ga hành khách; đường băng cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ; và 2 tuyến đường kết nối từ bên ngoài vào sân bay (T1 và T2).
Sân bay Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,3 tỉ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (dự kiến khai thác vào năm 2026) sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.