Dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH gửi Chính phủ đề xuất về việc bố trí hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29.4) và làm bù sang ngày khác. Nếu được thông qua, cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục, từ thứ bảy (ngày 27.4) đến thứ tư (ngày 1.5).
Trước đó, Bộ LĐ-TB-XH nhận được nhiều ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29.4) và làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ được nghỉ 5 ngày liên tục. Do bộ luật Lao động năm 2019 chỉ giao Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh, không giao Thủ tướng quyết định các ngày nghỉ lễ, tết khác. Những vấn đề ngoài quy định của luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi 15 bộ, ngành, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về việc hoán đổi này.
Bộ LĐ-TB-XH cho hay việc này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ.
Ủng hộ phương án hoán đổi
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên tán thành phương án hoán đổi ngày làm việc và mong đề xuất sớm được thông qua.
"Tôi nhất trí theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH. Nghỉ như vậy cho công nhân về quê thăm gia đình và sắp xếp lại công việc. Một số khác thì đi du lịch nghỉ mát, giải trí cùng gia đình được thuận tiện hơn", BĐ Văn Đạt ủng hộ.
Cùng quan điểm, BĐ Tran Thinh ý kiến: "Đề xuất nghỉ liên tục 5 ngày là đúng, những gia đình có điều kiện thì tiêu xài, du lịch..., kích cầu kinh tế tạo cơ hội làm ăn cho những người khác. Gia đình nào kinh tế ít hơn thì nghỉ ngơi tại nhà, tái tạo sức lao động".
Còn BĐ Dung Khoe viết: "Tuyệt vời, làm như vậy được cả hai, người lao động được nghỉ có thể đi du lịch và hiệu quả lao động sẽ cao hơn sau đó".
Xem xét đưa quy định thành luật
Bên cạnh việc ủng hộ phương án nghỉ gộp 5 ngày, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ LĐ-TB-XH nên quy định thành luật luôn cho các ngày nghỉ trong năm.
"Khi đã luật hóa rõ ràng thì các cơ quan chức năng, DN, NLĐ cứ theo đó mà thực hiện, không cần phải năm nào cũng đề xuất, rồi bàn tới bàn lui. Mọi người sẽ chủ động lên kế hoạch sắp xếp thời gian du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm, kích thích tiêu dùng kinh tế; DN thì chủ động kế hoạch kinh doanh, tàu xe, đi lại...", BĐ Vũ Sơn góp ý.
Tương tự, BĐ Gia Kieu cho rằng các ngày lễ, tết đã được quy định và hằng năm có kế hoạch công tác năm. "Tại sao đầu năm làm kế hoạch năm không đưa vào luôn, đến cận ngày mới làm gây khó khăn cho các ngành, các cấp, cho DN. Các nước quy định ngày nghỉ rất rõ ở luật. Như Nhật Bản, ngày nghỉ lễ trùng ngày nghỉ thì nghỉ bù ngày kế tiếp. Hai ngày lễ có ngày thường ở giữa thì ngày đó cũng được nghỉ. DN, cơ quan nhà nước cứ theo luật mà làm, không như ở ta quá tốn thời gian bàn bạc và lấy ý kiến, vấn đề là cận sát ngày", BĐ này góp ý thêm.
"Cái này khi xem lịch năm ngoái là tôi đã thấy rồi. Thậm chí ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương mà hoán đổi ngày thứ sáu (19.4) thì nghỉ được 4 ngày liên tục. Đúng ra Bộ LĐ-TB-XH nên trình đề xuất này chung với đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán luôn thì hay quá", BĐ T.Tran ý kiến.
Việc hoán đổi ngày nghỉ này lợi nhiều hơn, vì vậy mong sớm được thông qua để người dân chủ động lên kế hoạch nghỉ lễ.
Hoa Mai
Hoán đổi 1 ngày nghỉ để có kỳ nghỉ dài liên tục giúp người lao động được vui chơi, du lịch, mua sắm kích thích tiêu dùng kinh tế là điều tốt.
Trực Ngôn