Sông Ba chảy qua địa phận 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên rồi đổ ra biển Đông dần trở thành dòng sông chết từ khi thủy điện An Khê - Kakak được triển khai. Để phục vụ thủy điện, sông Ba bị chuyển dòng, nước đổ về sông Kôn (Bình Định) gây nên bao hệ lụy. Ông Huỳnh Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, từng cho rằng việc thay đổi dòng chảy sông Ba là "một sai lầm lịch sử".
Theo đó, thủy điện An Khê - Kanak khởi công xây dựng năm 2005, hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại năm 2012 với tổng công suất 173 MW. Theo thiết kế, thủy điện An Khê - Kanak có 2 bậc. Bậc 1 lấy nước từ sông Ba về hồ chứa Kanak (H.Kbang, Gia Lai) có dung tích hơn 285 triệu m3 để vận hành nhà máy thủy điện Kanak. Bậc 2, nguồn nước sau chạy máy được đổ vào hồ chứa An Khê (TX.An Khê, Gia Lai) có dung tích 5,6 triệu m3. Nguồn nước này được đưa vào đường ống dẫn qua đèo An Khê để sử dụng chạy máy cho thủy điện An Khê (H.Tây Sơn, Bình Định). Nguồn nước cuối cùng sau khi chạy máy được dẫn ra suối Cát để đổ về sông Kôn.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, sông Ba đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong đời sống người dân. Từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak đưa vào hoạt động đến nay, đoạn sông Ba qua TX.An Khê thiếu nước trầm trọng vì toàn bộ lượng nước đã bị ngăn dòng chảy xuống Bình Định. Lượng nước xả qua TX.An Khê chỉ trên dưới 4s/m3 vào mùa khô hạn khiến toàn bộ sông Ba không còn dòng chảy.
Các hồ chứa ở thượng nguồn sông Ba tích nước phục vụ phát điện nhưng lại chuyển nước qua các đường hầm, kênh dẫn sang lưu vực sông Kôn mà không trả lại nước cho sông Ba. Thực trạng này tác động rất lớn đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu cho đất nông nghiệp và đóng vai trò điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan cho TX.An Khê. Ngoài ra, việc không trả nước về sông Ba nên đời sống người dân ở 6 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và 5 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên với khoảng 1 triệu người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế, khi sông Ba bị chuyển dòng kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác về văn hóa, đời sống của cư dân hai bên bờ sông. Ngoài ra, sông Ba đoạn chảy qua các huyện như Ia Pa, Krông Pa (Gia Lai) xuất hiện tình trạng sạt lở mạnh, nguy cơ mất an toàn.
"Cứu" sông Ba luôn là vấn đề thiết yếu được người dân 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên mong ngóng. Song, từ nhiều năm nay, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Kiến nghị lên Bộ NN-PTNT
Theo ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, phương án phát triển kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung "Nghiên cứu xây dựng hệ thống đập dâng nước trên sông Ba đoạn qua TX.An Khê cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, cảnh quan môi trường và phát triển kinh tế xã hội TX.An Khê".
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tỉnh Gia Lai đã đề nghị sớm triển khai xây dựng hệ thống đập dâng nước trên sông Ba đoạn qua TX.An Khê với mức đầu tư 350 tỉ đồng để cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, tạo cảnh quan môi trường và phát triển kinh tế xã hội TX.An Khê và vùng hạ lưu.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng bất thường. Hằng năm, mưa lớn liên tục kéo dài đã làm cho tình hình sạt lở bờ sông càng nghiêm trọng, làm thu hẹp đáng kể diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nông dân sản xuất ven sông, đồng thời đe dọa thiệt hại về tính mạng con người trong thời gian mưa lũ. Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Pa, Ayun Pa, Kbang, Phú Thiện, Chư Prông, An Khê, Kông Chro, lũ trên các sông, suối thường xuyên dâng cao, hai bờ sông có nhiều điểm xảy ra sạt lở rất nguy hiểm tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống xung quanh khu vực...
Nhu cầu kinh phí cho các dự án cấp bách xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại Gia Lai rất lớn. Tuy nhiên, Gia Lai là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động, nguồn lực của tỉnh để thực hiện các dự án cấp bách còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ trung ương.
Tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NN-PTNT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 3.144 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương để xây dựng 17 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách.
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Gia Lai, Bộ NN- PTNT nhận thấy việc điều tiết nước dòng chảy sông Ba (sau thủy điện An Khê - Ka Nak) không chỉ đơn thuần thực hiện bằng giải pháp công trình mà cần kết hợp cả về vận hành khai thác, các giải pháp phi công trình khác, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực… Do vậy, để thực hiện điều tiết nước dòng sông Ba phục vụ các nhu cầu, trong đó có phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân, cần phải xem xét, nghiên cứu trên cơ sở bài toán tổng thể. Từ đó, đề xuất giải pháp (công trình, phi công trình, kết hợp các giải pháp) và rà soát, bổ sung nội dung, giải pháp vào các quy hoạch để làm căn cứ đầu tư xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
Bộ NN-PTNT sẽ tham gia phối hợp về kỹ thuật; đồng thời, chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch ngành, từ đó xem xét cụ thể phương án thực hiện đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật.