Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ để có phương pháp điều trị, phòng tránh cho bản thân và gia đình kịp thời, đúng cách.
Nhận diện tình trạng bệnh sa sút trí tuệ
Thống kê từ Liên đoàn bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thế giới, cứ 3 giây lại có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành bệnh sa sút trí tuệ. Năm 2023, số người bệnh sa sút trí tuệ trên thế giới khoảng 78 triệu người. Ở Việt Nam, theo ước tính có khoảng 500.000 người mắc bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đều không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Tại chương trình, bác sĩ Trần Thị Hoài Thu, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 trình bày báo cáo Suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer.
Theo bác sĩ Hoài Thu, bệnh sa sút trí tuệ thường gặp nhất là suy giảm các chức năng nhận thức, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sống độc lập của người bệnh.
Bác sĩ Hoài Thu đã liệt kê 10 dấu hiệu cảnh báo của tình trạng bệnh sa sút trí tuệ. Đó là biểu hiện của giảm trí nhớ (quên những điều vừa nói, không nhớ sáng nay ăn gì); gặp khó khăn trong các công việc quen thuộc (quên cách nấu món ăn thường nhật); gặp khó khăn với ngôn ngữ (khó tìm từ diễn đạt điều muốn nói); mất định hướng về không gian, thời gian (không rõ đang sống ở năm nào, ở đâu); giảm khả năng nhận định, phán đoán vấn đề (không nhận định được đúng, sai); quên chỗ cất đồ (quên chỗ cất chìa khóa, điện thoại)...
“Những người có những dấu hiệu trên cần được phát hiện, can thiệp ở giai đoạn sớm. Đặc biệt là giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ để mang lại hiệu quả tốt”, bác sĩ Hoài Thu cho biết.
Đặc biệt, bác sĩ Hoài Thu đã lưu ý những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ: “Đối với những bệnh nhân trên 65 tuổi từng bị chấn thương đầu hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường loại 2, trầm cảm và sử dụng rượu bia, thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ cao hơn”.
Phương pháp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh
Bệnh sa sút trí tuệ có nhiều nguyên nhân. Trong đó, bệnh Alzheimer là nguyên nhân chiếm 60 - 70%, đem lại gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Tại chương trình, người tham dự được nghe bác sĩ Lý Minh Đăng trình bày báo cáo Phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer bằng phương pháp tập luyện nhận thức.
Theo bác sĩ Minh Đăng, Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh chưa có phương pháp để chữa khỏi. Nghiên cứu những năm gần đây chỉ ra rằng các phương pháp tập luyện nhận thức có hiệu quả làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
“Tập luyện nhận thức là một quá trình sử dụng hệ thống các bài tập để kích thích các chức năng nhận thức của não bộ trên các yếu tố như học tập và ghi nhớ, tập trung chú ý, ngôn ngữ, khả năng lý luận… Người bệnh nên thực hành các bài tập luyện thường xuyên như dùng giấy ghi chú viết những từ quen thuộc hằng ngày; sắp xếp các chữ số theo thứ tự lớn dần, nhỏ dần; phát hiện sự thay đổi của đồ vật”, bác sĩ Minh Đăng nói.
Bác sĩ Minh Đăng còn lưu ý, người bệnh cần tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Tránh sử dụng rượu, bia hoặc bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
Chương trình đã thu hút hơn 300 người tham gia. Tại chương trình, người tham gia được đánh giá trí nhớ, các chức năng nhận thức hoàn toàn miễn phí và tư vấn, giải đáp thắc mắc về về bệnh sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer.
Bên cạnh đó, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 đã kết hợp Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức rèn luyện trí nhớ và nhận thức cho người trên 50 tuổi có tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ thông qua ứng dụng BrainTrain.