Ngày 4.12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34 diễn ra trong bối cảnh KT-XH địa phương tiếp tục khởi sắc khá toàn diện. Ước tính năm nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,17%. Đặc biệt, năm 2024 cũng là năm đầu tiên tổng thu ngân sách của TP.HCM vượt mức 500.000 tỉ đồng, dự kiến đóng góp 27% vào tổng thu ngân sách cả nước. "Đây là con số thể hiện sự đóng góp của mỗi người dân, doanh nghiệp thành phố đối với nền kinh tế đất nước", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất chọn chủ đề năm 2025 của Thành ủy TP.HCM là "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố". TP.HCM xác định 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GRDP 10%, kinh tế số đóng góp trên 25% GRDP, năng suất lao động xã hội bình quân tăng 7%, hơn 87% lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,5%, phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước.
Nói về chỉ tiêu tăng trưởng 10%, ông Mãi đánh giá đây là "mục tiêu kép", vừa thực hiện chỉ đạo của T.Ư vừa thực hiện nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11. Để đạt mức tăng trưởng 2 con số, TP.HCM cần huy động các nguồn lực, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn. Ông Mãi cho biết nếu giải quyết các tồn đọng liên quan đến tài sản công, tài sản của doanh nghiệp nhà nước, dự án của xã hội, vướng mắc đầu tư công thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn. Các vướng mắc chậm tháo gỡ một phần vì sự phối hợp giải quyết vấn đề của các sở ngành, địa phương chưa thông suốt, chưa dứt điểm.
Ông Mãi cho biết thêm trong giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM cần 4,4 triệu tỉ đồng để đạt mục tiêu tăng trưởng 10%, trong đó ngân sách cần huy động 1,1 triệu tỉ đồng. Trong số này, nguồn ngân sách có thể bố trí được 500.000 tỉ đồng, còn lại phải huy động từ việc đấu giá quỹ đất hình thành được từ mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
ĐẨY MẠNH CÁC ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng đề xuất xây dựng những chính sách, cơ chế có tính vượt trội như bố trí ít nhất 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số (hiện nay là 1,2%); mở rộng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, ban hành một số cơ chế ưu đãi đầu tư trên lĩnh vực công nghệ số. Song song đó, TP.HCM cũng cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng số để duy trì vị thế dẫn đầu, tạo môi trường thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược.
Ông Thắng cho rằng cần kiên trì xây dựng dữ liệu số trong cơ quan nhà nước rồi mở rộng cho doanh nghiệp khai thác, tạo giá trị tăng thêm. Trong năm 2025, Sở TT-TT sẽ đẩy nhanh 8 nền tảng số chuyên ngành còn lại để hoàn thành đưa nền hành chính lên nền tảng số. Để phát triển kinh tế số, Giám đốc Sở TT-TT đề nghị tập trung chuyển đổi số các ngành trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và xây dựng ít nhất một khu công nghệ thông tin tập trung mới.
Đánh giá công nghiệp vẫn là động lực quan trọng, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, đề xuất tập trung tháo gỡ thủ tục đẩy nhanh chuyển đổi 5 khu công nghiệp: Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái và Bình Chiểu, đồng thời hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào những ngành trọng điểm.
Trong phần phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu trong năm 2025 cần tập trung cao nhất cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Cụ thể, các sở ngành tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn về quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ đầu tư phát triển. Đồng thời, thúc đẩy mạnh động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và phát triển du lịch; chú trọng kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ xuất khẩu, giảm chi phí logistics, tích cực khai thác thị trường mới.
Nhấn mạnh việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và kiến tạo động lực tăng trưởng mới, ông Nên lưu ý phải nỗ lực tối đa hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, trước mắt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối vùng. Ông cũng đề nghị tập trung triển khai các đề án lớn như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong năm 2025 cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng trọng yếu phục vụ dân sinh, các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước...
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý đảm bảo nguồn lực tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng tại TP.HCM trong năm 2025, mà trước mắt là tập trung chăm lo tết cho nhân dân vui tươi, phấn khởi an toàn và tiết kiệm.
Sắp xếp bộ máy đồng bộ
Tại hội nghị, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, trình bày phương hướng sắp xếp bộ máy trên địa bàn theo hướng T.Ư có bộ nào, thành phố có cơ quan cấp sở tương ứng. Cụ thể, một số ban của Đảng trực thuộc Thành ủy TP.HCM sẽ sáp nhập, tổ chức lại hoặc kết thúc hoạt động. Sau sắp xếp, Đảng bộ TP.HCM dự kiến còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.
Tương tự, ở khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp lại một số cơ quan hành chính. Cụ thể, nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính và Sở KH-ĐT; sáp nhập Sở Xây dựng, Sở GTVT và Sở QH-KT; sáp nhập Sở TN-MT và Sở NN-PTNT; sáp nhập Sở Du lịch và Sở VH-TT; sáp nhập Sở TT-TT với Sở KH-CN. TP.HCM cũng nghiên cứu kết thúc hoạt động của Sở LĐ-TB-XH và Sở An toàn thực phẩm; sáp nhập Ban Tôn giáo và Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất.
Với phương án này, UBND TP.HCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế... Đối với cấp huyện, địa phương nghiên cứu đề án sắp xếp, sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, sáp nhập Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - kế hoạch; kết thúc hoạt động Phòng LĐ-TB-XH. Riêng TP.Thủ Đức sẽ nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm tình hình.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc sắp xếp tổ chức bộ máy khối chính quyền sẽ gắn với xác định lại chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, TP.HCM xác định những việc sử dụng dịch vụ công, việc giao cho đơn vị bên ngoài, đồng thời phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn.
Trao đổi thêm về những trăn trở khi sắp xếp lại bộ máy, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nghĩ đến mục tiêu lớn là tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. "Tức là bàn làm chứ không bàn lùi, làm sao cho tốt hơn, tinh gọn hơn", ông nhấn mạnh, đồng thời cho rằng nếu đặt lợi ích quốc gia lên trên thì có thể vượt qua được những nỗi lo liên quan bản thân mình.
Song song đó, lãnh đạo các cấp tại TP.HCM sẽ lo phần chính sách sử dụng cán bộ trong đợt sắp xếp này cũng như những người không còn làm việc. "Hiện dư luận ủng hộ rất cao nên phải tranh thủ thời gian, nghiên cứu để làm cho tốt hơn. Khi làm được điều này thì dân sẽ tin Đảng, và Đảng sẽ hoàn thành việc của mình", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá.