Theo thời gian, với sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH), xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi mạnh mẽ. Với kỳ vọng tiếp cận sâu rộng tới độc giả, khán giả (đặc biệt là công chúng trẻ), Báo Thanh Niên ngoài việc đăng tải tin tức trên các nền tảng truyền thống như báo in, báo điện tử Thanh Niên Online, nội dung giờ đây còn được phân phối trên các nền tảng MXH bản địa và xuyên biên giới. Trong đó, người làm Báo Thanh Niên chú trọng phát triển nội dung trên các nền tảng MXH được giới trẻ đặc biệt quan tâm.
Ở Thanh Niên từ vài năm nay, các ban chuyên môn đã nhuần nhuyễn "hai tay hai súng": mỗi phóng viên phải viết, chụp ảnh gửi cho báo điện tử xuất bản sớm nhất; sau đó chuẩn bị bản thảo cho báo in, số liệu để làm đồ họa… Cũng đội ngũ đó lại tham gia sản xuất nội dung số để phát trên các nền tảng MXH của báo.
Thạc sĩ Phan Văn Tú, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua, Báo Thanh Niên đã nỗ lực khai thác các nền tảng MXH: "Thông qua các kênh MXH như YouTube, Facebook và TikTok, Báo Thanh Niên đã có thể tiếp cận công chúng trẻ, đặc biệt là gen Z".
Ở mỗi nền tảng, Báo Thanh Niên lại thành lập hệ thống các kênh, mỗi kênh tập trung một nội dung riêng biệt: tin tức, giải trí, thể thao, ẩm thực… để đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng công chúng.
Không chỉ sản xuất, đăng tải nhanh chóng, mà ở mỗi nền tảng còn phải tối ưu video để đạt hiệu quả tiếp cận người xem, mang đến cho công chúng thông tin nhanh, chính xác, đa chiều, đúng định hướng, những sản phẩm chất lượng; và phải không ngừng nắm bắt xu hướng (trend), sản xuất những tin tức có nội dung mà công chúng, đặc biệt là người trẻ, cần xem và có giao diện thân thiện với nền tảng đó.
Nhiều người trẻ trở thành những khán giả thân quen trên các nền tảng MXH của Báo Thanh Niên. Hiện phần lớn khán giả của các kênh mạng xã hội Báo Thanh Niên tập trung ở độ tuổi từ 18 - 34 (đối với video).
Chiến lược đa kênh, đa nền tảng đã giúp Báo Thanh Niên dần khẳng định được vị thế, tiếp cận hàng tỉ lượt công chúng mỗi năm. Tiêu biểu như năm 2022, số lượt xem video trên các nền tảng MXH Thanh Niên đạt 2 tỉ lượt xem.
Đến nay, Báo Thanh Niên đã xây dựng và vận hành trang fanpage (2,2 triệu lượt theo dõi), 5 kênh YouTube (trong đó 2 kênh đạt nút vàng), 4 kênh TikTok cùng nhiều podcast, vodcast được đăng tải trên các nền tảng khác.
"CÔNG CHÚNG Ở ĐÂU, BÁO THANH NIÊN Ở ĐÓ"
Trong thời gian tới, Thanh Niên tiếp tục kiên trì phục vụ công chúng với tiêu chí "công chúng ở đâu, Báo Thanh Niên ở đó". Với tiêu chí này, dù xu hướng công chúng có thay đổi ra sao thì Báo Thanh Niên cũng sẽ cập nhật các công nghệ mới nhất để phục vụ tốt hơn, thân thiện hơn cho người dùng. Ngay trong tháng 6 này, Thanh Niên bắt đầu cung cấp nội dung video trên Zalo, một ứng dụng phổ biến mà người Việt ưa dùng.
Để tiếp cận công chúng trẻ, theo thạc sĩ Phan Văn Tú, Báo Thanh Niên cần chú trọng xây dựng những nội dung phù hợp, đúng sự quan tâm của giới trẻ; tạo những diễn đàn, nơi người trẻ được thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình về những vấn đề khác nhau.
"Các sản phẩm báo chí hãy chấp nhận mọi sự thay đổi, không ngừng sáng tạo để phù hợp với nhịp sống hiện nay, với môi trường báo chí hiện đại nhưng đồng thời phải tạo được niềm tin nơi công chúng", thạc sĩ Phan Văn Tú chia sẻ.
Xem tin tức của Thanh Niên trên Zalo Video
Từ hôm nay 21.6, Báo Thanh Niên chính thức có mặt trên Zalo Video. Đây là tính năng chia sẻ video ngắn nằm trong Zalo, nền tảng hiện có hơn 70 triệu lượt người dùng và là một trong những MXH phổ biến nhất tại VN.
Kênh Báo Thanh Niên trên Zalo Video sẽ là nơi đăng tải, cập nhật những thông tin thời sự, phóng sự trong và ngoài nước ở tất cả các lĩnh vực dưới hình thức video ngắn theo định dạng khung dọc, thân thiện với người dùng thiết bị di động. Trên nền tảng mới, Báo Thanh Niên đặt mục tiêu phục vụ công chúng tốt hơn; hướng tới việc công chúng có nhiều sự lựa chọn để tiếp cận thông tin của Thanh Niên hơn (bên cạnh những nền tảng cũ như báo in, Thanh Niên Online, TikTok, YouTube, Lotus…).
Độc giả, khán giả sẽ luôn được cập nhật những thông tin mới nhất từ Báo Thanh Niên trên Zalo Video bằng cách quét mã QR từ ứng dụng Zalo vào hình bên dưới và nhấn vào mục "theo dõi kênh".
Đất nước đang hiện đại hóa, báo chí cũng phải hiện đại hóa
Báo chí cách mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội VN, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thổi lên khát vọng VN hùng cường, thịnh vượng. Những năm qua, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ đó. Đất nước đang hiện đại hóa thì báo chí cũng phải hiện đại hóa. Đầu tư cho công nghệ số thì không lớn, không tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn và nhanh.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT-TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí. Bộ cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí và bộ cũng là đầu mối quản lý nhà nước về công nghệ số.
Với cơ chế "lưỡng tính" của báo chí, vừa là đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, lại vừa là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Cơ quan báo chí bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ chế của thị trường. Vì vậy, cơ quan báo chí cũng phải hoạt động như doanh nghiệp. Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp. Nhưng báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong bài phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng VN
Báo chí cần phải tăng tính hấp dẫn
Thông tin báo chí cần phải nhanh, mang tính thời sự, mới mẻ. Nhưng rõ ràng hiện nay báo chí có làm nhanh đến đâu cũng không thể theo kịp MXH bởi thông tin trên MXH do người dân viết ra, không được thẩm định một cách kỹ càng, không được xác thực, thậm chí có những thông tin giả, tin xuyên tạc, tin phản động… Còn đối với các cơ quan báo chí, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo là phải thẩm định, xác minh thông tin.
Báo chí không thể chạy đua về thời gian với thông tin trên MXH nhưng chúng ta có cách làm khác, thông tin của cơ quan báo chí cần phải chính xác, mang tính chính thức, chính thống. Đó là nơi để người dân, độc giả thẩm định thông tin, tiếp cận thông tin một cách an toàn, chính xác nhất, xác thực nhất.
Báo chí cũng cần phải tăng tính hấp dẫn, tính thuyết phục để người dân cảm thấy đây mới là nguồn thông tin. Nếu chúng ta chỉ đưa những thông tin khô khan, cứng nhắc thì người dân sẽ tìm đến những kênh khác để tìm thông tin.
Trong việc này cũng có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ hơn, sớm hơn cho các cơ quan báo chí chính thống để người dân tiếp cận mà không phải tìm kiếm thông tin thất thiệt trên MXH.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN
Cuộc "cách mạng"
Cùng với sự phát triển công nghệ số, thói quen tiếp cận thông tin của độc giả cũng đã thay đổi: có hơn 50% độc giả tiếp cận thông tin qua MXH. Chúng tôi xem các kênh MXH như là các kênh phát thông tin của mình đến với bạn đọc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, tài chính. Về nhân lực, do trước giờ đội ngũ viết cho báo in và online là chính, nay phải tự học để có thể tự chụp ảnh, quay clip, dựng video, viết nội dung phù hợp từng kênh thông tin, thậm chí có thể dẫn bản tin… thì đó là một công việc không hề dễ dàng. Ban biên tập mời các chuyên gia giỏi về podcast, quay clip và dựng video… về tập huấn cho anh em. Nhiều phóng viên đã nhanh chóng thích ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, tự mình quay, dựng clip, đọc luôn bản tin. Và chúng tôi tự hào nói với nhau: đó thật sự là một cuộc cách mạng tại Báo Phụ nữ TP.HCM.
Bên cạnh đó, báo giấy vẫn được chúng tôi chăm chút phát triển đến từng chi tiết, vì đó là bộ mặt của tờ báo.
Nhà báo Lý Việt Trung, Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM
Ứng dụng AI thu hút độc giả trẻ
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đóng vai trò quan trọng đối với các tòa soạn. Ngay từ đầu năm 2024, Báo Người Lao Động đã tiến hành cải tiến mạnh mẽ báo in và báo điện tử, ứng dụng AI vào sản xuất nội dung nhằm tăng tiện ích cho người dùng. AI đã cải thiện các vấn đề về trải nghiệm đọc, tăng tương tác, thu hút bạn đọc trẻ; tối ưu lại thiết kế và trải nghiệm đọc trên phiên bản mobile. AI còn giúp Báo Người Lao Động điện tử đa dạng hóa cách trình bày, giúp tạo ra các nội dung dễ hiểu, dễ gây ấn tượng và hấp dẫn hơn đối với bạn đọc.
Báo Người Lao Động cũng đã xây dựng phong trào học tập với mục tiêu tạo môi trường thường xuyên cho 40 - 60% đội ngũ nhân sự tham gia học tập về ứng dụng AI, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm giúp anh em xây dựng thói quen cũng như những kỹ năng sử dụng các công cụ AI một cách thông minh nhất vào công việc chuyên môn. Sau khóa đào tạo, nhiều phóng viên, biên tập viên có khả năng sử dụng AI tạo ra các bản tin podcast với kịch bản đa dạng, có tương tác...
Nhà báo Lê Cường, Phó tổng biên tập Báo Người Lao Động
Xem độc giả là khách hàng
Đối với doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường là để phục vụ khách hàng, phục vụ thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Báo chí cũng vậy, tôi cho rằng báo chí cũng phải đổi mới, coi độc giả như khách hàng để thiết kế các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng. Độc giả có thể có người thích đọc báo giấy, có người thích đọc báo mạng, có người thích đọc thông tin từ các trang MXH…
Độc giả sẽ luôn luôn ủng hộ báo chí với những bài phân tích chuyên sâu mà chỉ có các nhà báo mới có thể thực hiện được. Điều này các trang mạng, các ý kiến cá nhân trên MXH không thể có kinh nghiệm và độ tin cậy. Thông tin từ báo chí chính thống sẽ tin cậy hơn.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ (Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia VN)
Chú trọng phát triển độc giả trẻ
Cách mạng kỹ thuật số diễn ra kéo theo sự thay đổi về thói quen, phương thức và nền tảng tiếp nhận thông tin của độc giả. Tại VN, có 78,4 triệu người sử dụng internet; 72,7 triệu người dùng MXH. Người Việt dành hơn 6 giờ mỗi ngày để vào mạng, trong đó thời gian nhiều nhất là xem video, MXH từ 2 giờ 21 - 2 giờ 25 phút; 1 giờ 47 phút cho đọc báo… Facebook là nền tảng phổ biến nhất ở VN, tiếp đến là Zalo, TikTok… Điều này dẫn tới hệ quả người người, nhà nhà trở thành YouTuber, TikToker.
Báo chí đang phải chạy theo MXH; người dân có xu hướng xem nội dung trên MXH. Vì thế, các cơ quan báo chí cần có những thay đổi để thích ứng phù hợp với xu hướng hiện nay. Báo chí không thể bỏ lỡ "chuyến tàu AI". Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần thay đổi tư duy, chú trọng việc phát triển độc giả trẻ; coi trọng các nền tảng mới bên cạnh nền tảng truyền thống; bám sát xu hướng và lan tỏa trên MXH nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của độc giả.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN)
Thu Hằng - Sỹ Đông (ghi)