Đó là chia sẻ của ông Lê Quang Tự Do (ảnh), Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PT-TH-TTĐT) với Thanh Niên trước thực trạng người trẻ ít đọc báo chính thống, mà chủ yếu xem thông tin qua mạng xã hội (MXH).
Nhiều hệ lụy từ tin giả
Theo ông, người trẻ tiếp cận thông tin không qua các kênh chính thống có những nguy cơ, hệ lụy gì?
Tháng 11.2023, Cục PT-TH-TTĐT có tổ chức Chiến dịch phòng chống tin giả, qua diễn đàn trao đổi trực tiếp với các bạn trẻ cho thấy đúng là sinh viên, kể cả sinh viên học ngành báo chí, đều đọc thông tin rất nhiều từ MXH và có xu hướng dễ tin vào những thông tin đó.
Hệ lụy đầu tiên dễ nhận thấy khi người trẻ tiếp cận thông tin qua MXH là dễ tiếp nhận những tin giả, tin sai sự thật.
Khi người đọc chia sẻ và lan tỏa cho người khác, lại thêm hệ lụy nữa là làm cho tin giả lan rộng. Đặc biệt, khi càng nhiều người đọc thì càng có cảm giác tin đó là đúng. Tại một diễn đàn do chúng tôi tổ chức ở Học viện Báo chí tuyên truyền, các sinh viên cho biết những tin về sức khỏe như cách giảm cân, chữa bệnh, các bài thuốc… được nhiều người tin và chia sẻ rất nhiều, nhưng không ai biết các bài thuốc đấy có đúng hay không.
Hệ lụy thứ ba, khi người trẻ tin vào MXH, họ sẽ mất kỹ năng xây dựng bộ lọc thông tin. Cục cũng đã phát hành cẩm nang phòng chống tin giả, trong đó dấu hiệu nhận biết đầu tiên là không được tin những gì đã đọc trên MXH. Thứ hai, tin càng hấp dẫn, giật gân, càng phải kiểm tra chéo từ nguồn báo chí chính thống, từ các công cụ tìm kiếm. Thứ ba, trong Chiến dịch phòng chống tin giả, mục tiêu của chiến dịch là nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức của người dùng, đặc biệt là giới trẻ, hình thành bộ lọc, kiểm tra lại từ báo chí chính thống.
Hệ lụy thứ tư, thông tin trên MXH có xu hướng ngày càng ngắn, càng nhanh, nếu người trẻ chỉ đọc thông tin "nông", không có độ sâu trên MXH, dần dần sẽ mất thói quen phân tích, tư duy sâu, không tập trung. Trước đây, nhiều người lo ngại Gen Z là "thế hệ cúi đầu", "nghiện" điện thoại. Bây giờ nhiều người lo lắng hơn về một thế hệ trẻ không tư duy sâu. Trong thời buổi phát triển công nghệ, mọi thứ đều tiện dụng, giới trẻ mất dần thói quen phân tích, tư duy, chỉ thích tin ngắn, không thích đọc báo, đọc sách.
Hệ lụy tiếp theo, khi giới trẻ chỉ đọc tin trên MXH, không quan tâm đến tin tức trên báo chí thì sẽ bị lệch thông tin. Chức năng của báo chí là có tính định hướng, tính giáo dục, tính chính trị, có thêm tính giải trí; còn trên MXH, thông tin chủ đích để kiếm view, kiếm sự thu hút, tính giải trí cao. Người trẻ chỉ tiếp cận thông tin từ MXH dần dần thiếu định hướng, chỉ đọc theo dư luận, theo trào lưu. Điều này khiến thẩm mỹ của người đọc MXH cũng bị giảm sút, không biết thế nào là tích cực cần hướng đến.
Đây là mối quan ngại rất lớn khi trong một thời gian khá dài, các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là mô hình chia sẻ tiền quảng cáo từ YouTube khiến tất cả những người sáng tạo nội dung chạy theo view. Càng nhiều view càng được chia tiền quảng cáo nhiều hơn nên nội dung cũng ngày càng nhảm nhí. Điều này ảnh hưởng tới người xem, dẫn đến thẩm mỹ, nhận thức cũng bị lệch lạc theo.
Thời gian qua, có rất nhiều vụ việc thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng lộ lọt trên MXH, Bộ TT-TT đã có giải pháp gì để đẩy lùi tin giả, xấu, độc trên MXH?
Những hệ lụy trên, Bộ TT-TT đã nhìn thấy và đã có nhiều chấn chỉnh. Năm 2023, Bộ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh TikTok, sau đợt kiểm tra đó nội dung trên TikTok đã tốt hơn rất nhiều. Các nền tảng xuyên biên giới khác cũng đều cam kết tuân thủ pháp luật. Tỷ lệ chặn, gỡ thông tin xấu độc lên trên 90%, chặn được các quảng cáo xấu độc, kết nối KOL để làm sạch không gian mạng, nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ nội dung câu view, câu like về cơ quan báo chí và những người làm nội dung sạch. Một giải pháp nữa là Bộ TT-TT và Ban Tuyên giáo T.Ư đều có chỉ đạo các cơ quan báo chí đăng tải nội dung thông tin trên không gian mạng. Thậm chí, còn thêm phương châm mới "nhanh, ngắn và rộng", chuyển từ màn hình lớn qua màn hình nhỏ trên các thiết bị di động để làm sao lan tỏa thông tin chính thống đến giới trẻ nhiều hơn.
Một trong những yêu cầu đưa thông tin nhanh là những thông tin chính trị, trong đó ưu tiên các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Bên cạnh các bản tin sâu, bài chuyên sâu, các cơ quan báo chí kết hợp làm tin ngắn để lan tỏa thông tin kịp thời, nhanh chóng trên MXH, đáp ứng xu thế xem tin ngắn của người trẻ dùng MXH.
Với cách làm này, không chỉ giúp cải thiện thông tin cho độc giả không đọc báo, mà còn giúp độc giả trẻ được tiếp cận thông tin chính thống của báo chí trên MXH.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về cách thức truyền thông của báo chí tiếp cận độc giả trẻ?
Vừa rồi, Cục PT-TH-TTĐT tiến hành nghiên cứu và thấy rằng khoảng 55 cơ quan báo chí có sự quan tâm, có tài khoản, kênh trên MXH và khoảng 50 cơ quan báo hình tham gia tích cực trên MXH. Rất nhiều cơ quan báo chí hoạt động mạnh mẽ trên MXH như: Truyền hình VN, Truyền hình Vĩnh Long, Báo Thanh Niên, VTC News…Như vậy, chúng ta có khoảng gần 800 cơ quan báo chí nhưng mới có 1/4 trong số này lên MXH. Có nhiều lý do nhưng một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều cơ quan báo chí chậm chuyển đổi số, chưa lên MXH là do sản xuất tin bài không được trả tiền.
Lý do thứ hai, các báo vẫn còn tư duy bao cấp, khi nào nhà nước trả tiền mới làm. Hiện chỉ có một số ít cơ quan báo chí vượt qua tư duy đó, coi MXH là một cách tiếp cận độc giả, coi đó như một kênh thông tin thêm để lan tỏa nội dung đến nhiều người. Báo Thanh Niên là một trong những cơ quan báo chí xung kích đi đầu trong chuyển đổi số, có tài khoản rất mạnh trên MXH và đến nay cũng đã hưởng thành quả nhất định…
Đối với cơ quan báo chí thì thương hiệu, mức độ tiếp cận độc giả trẻ rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan báo chí cần phải xuất hiện nhiều hơn trên mạng.
Thay đổi cách làm báo
Để cạnh tranh với MXH và thu hút độc giả trẻ, theo ông, báo chí chính thống sẽ phải thay đổi như thế nào?
Việc đầu tiên là phải thay đổi về nhận thức. Tiếp theo là thay đổi về chuyển đổi số, dùng các công nghệ mới để làm báo, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất nội dung. Nội dung thông tin đưa lên mạng muốn thành công, hấp dẫn nhiều người xem thì không thể viết theo kiểu truyền thống. Cơ quan báo chí phải chủ động, nghiên cứu thay đổi cách làm. Làm báo trên không gian mạng cũng phải làm báo kiểu mới. Đối với cơ quan báo chí đa phương tiện, phải có nhiều phương thức sản xuất nội dung khác nhau; thay đổi cách thức đầu tư công nghệ số để sản xuất nội dung, xây dựng đội ngũ sản xuất nội dung trên MXH...
Hiện nay, Bộ TT-TT và trực tiếp là Cục Báo chí, Cục PT-TH-TTĐT đang muốn đẩy thông điệp chủ trương này mạnh hơn đến cơ quan báo chí. Trong năm nay, Cục PT-TH-TTĐT dự kiến tôn vinh những nhà sáng tạo nội dung nổi bật có ích. Những nhà sáng tạo nội dung số có thể là cá nhân, nhóm cá nhân và các cơ quan báo chí.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, Bộ TT-TT vừa qua đã có một loạt giải pháp, trong đó quan trọng nhất là sửa luật, bổ sung, khắc phục những bất cập. Dự kiến tháng 10.2025, dự thảo luật Báo chí sửa đổi sẽ trình Quốc hội ban hành. Bên cạnh giải quyết những vấn đề chung của báo chí như kinh tế báo chí, tôn chỉ mục đích…, luật sẽ có một chương mới về báo chí trên không gian mạng. Luật và các quy định hiện hành có đề cập nội dung này nhưng còn khá mờ. Hiện báo chí lên MXH hoạt động như người sáng tạo nội dung thông thường, không phải là hoạt động của cơ quan báo chí. Tới đây, báo chí làm nội dung trên mạng sẽ được ngân sách trả tiền như thế nào, cấp phép như thế nào để hoạt động trên không gian mạng… sẽ được đề cập trong dự thảo luật sửa đổi.
Với những giải pháp hài hòa trên, hy vọng sẽ kéo độc giả quay lại với báo chí, và trên MXH báo chí cũng làm chủ trận địa. Các luồng thông tin trên MXH cũng đưa vào dòng chảy tích cực, không phải đưa những thông tin nhảm nhí như giai đoạn vừa qua.
Xin cảm ơn ông!