Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, đặc biệt việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.
“Trước đây, thời gian đóng BHXH quá dài nên người ta rút BHXH một lần nhiều. Những lúc khó khăn như đại dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động (NLĐ) bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10 năm, 15 năm. Vì thế, dự luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết, mục tiêu sau này là 10 năm.
Về quy định rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội gợi ý sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực, không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, được rút nhưng chỉ rút phần tự đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.
“Việc này vừa để giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó, mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng”, Chủ tịch Quốc hội nêu, và khẳng định Quỹ BHXH “không có khái niệm vỡ”. Lý do, quỹ này thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách, các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN, bày tỏ đồng tình cao với nội dung dự thảo, song đề nghị cần thận trọng xem xét đánh giá kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội (KT-XH) như rút BHXH một lần; cách tính, mức hưởng, thời gian hưởng cũng như chế độ với NLĐ chưa đủ tuổi hưu trí.
Đồng tình việc giảm thời hạn đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng ông Phan Văn Anh cho rằng mức lương nếu đóng 15 năm được hưởng 33,75% cần xem xét ở khía cạnh chia sẻ để hỗ trợ với những người nghỉ hưu có thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống.
Cũng theo ông Anh, xu hướng rút BHXH một lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động mà còn ảnh hưởng tới tình hình KT-XH, trong vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn khó khăn trước mắt như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm… Ngoài ra, để khuyến khích NLĐ gắn bó lâu dài với BHXH, giảm tình trạng rút BHXH một lần, cần xem xét nâng mức trợ cấp một lần cho NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm, tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%.
Trốn đóng BHXH có nên khởi tố, hoãn xuất cảnh?
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại – công nghiệp VN (VCCI), cho biết trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng BHXH cao hơn, những nước trong khu vực có mức đóng BHXH thấp hơn VN rất nhiều. Ví dụ, Indonesia là 10%, Philippines là 8%, Thái Lan là 5%.
“Tỷ lệ đóng BHXH của VN là 17% với doanh nghiệp (DN), nếu cộng tất cả các loại, cả phần đóng góp của NLĐ, cả BHYT thì lên tới 32%. Cao như vậy thì sức cạnh tranh của DN giảm đi, việc làm ít đi, thu nhập bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nuôi dưỡng nguồn thu phát triển trong xã hội”, ông Công nói và kiến nghị xem xét giảm mức đóng BHXH xuống khoảng 20%, trong đó DN đóng 15%, NLĐ đóng 5%.
Lãnh đạo VCCI cũng băn khoăn với việc xử phạt trốn đóng BHXH, bởi các DN chậm đóng BHXH do nhiều lý do, trong khi dự thảo luật lại loại trừ “chậm đóng BHXH”, chỉ còn đóng hoặc trốn đóng BHXH. Quy định này có thể khiến DN nước ngoài lo ngại khi đầu tư vào VN sẽ vi phạm khi chậm đóng BHXH vì các lý do như thiên tai, dịch bệnh.
Theo ông Công, các DN cũng không đồng tình với chế tài xử lý vi phạm trốn đóng BHXH bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn hoặc hoãn xuất cảnh, lý do sẽ cản trở hoạt động của DN. Ông Công dẫn ví dụ một DN bị hỏa hoạn chậm nộp BHXH sẽ bị xem thành trốn đóng BHXH, bị dừng hóa đơn thì không kinh doanh được nữa, coi như mất cơ hội phục hồi. Thay vào đó, “nên chuyển sang chế tài tài chính, có mức phạt tăng dần”, đại diện VCCI kiến nghị.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH một lần, nhưng sau khi trình ra Chính phủ gom lại 2 phương án, trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho NLĐ. Đồng thời, không tạo ra cú sốc với NLĐ. Dù vậy, ông Dung cũng thừa nhận cả hai phương án này “thực sự chưa có phương án tối ưu, nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được”. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán. Trong đó, có thể xem thay thế bằng các cơ chế, chính sách khác để NLĐ không phải rút BHXH một lần.
Về giảm thời hạn đóng BHXH 20 năm xuống 15 năm, theo ông Đào Ngọc Dung, mong muốn cao nhất là rút xuống 10 năm nhưng việc này rất khó. Lý do, nếu đóng mức 10 năm thì lương hưu quá thấp, nên trước mắt trong nhiệm kỳ này đưa xuống mức 15 năm cho phù hợp. Liên quan chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng BHXH, ban soạn thảo sẽ cố gắng phân ra 2 loại, loại chậm đóng khác, loại trốn đóng khác.
Làm rõ vì sao giải ngân vốn sự nghiệp chậm
Chiều 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sau phiên họp này, đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành liên quan là Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT, Ủy ban Dân tộc, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Đồng thời, sẽ có phiên làm việc với Chính phủ, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức tại phiên họp 26 trong tháng 9 tới, để chuẩn bị báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần làm rõ vì sao giải ngân chậm. Trước đây thường nói đầu tư công chậm chứ giờ vốn sự nghiệp còn chậm hơn, rất lãng phí. “Cần làm rõ có hay không việc để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, có để xảy ra trục lợi chính sách hay không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu, đồng thời yêu cầu giám sát phải xác định trách nhiệm cho rõ.