Thời gian qua, gia đình 4 người của bà Lê Thị Ẩn (70 tuổi) ngụ nhà 52 Phú Định (P.16, Q.8) luôn phải sống trong cảnh bất an khi tường căn nhà 1 trệt, 2 lầu bị nứt toác, nền đất sụt lún sau khi dự án làm bờ kè bến Phú Định đi vào thi công.
Theo bà Ẩn, khoảng 2 năm trước, khi công nhân đến đóng cừ dọc kênh Lò Gốm để làm bờ kè bến Phú Định, nhà bà nứt bất thường dù mới xây dựng cách đó bốn tháng. Mỗi lượt cừ đóng xuống, khu dân cư tại đây rung lắc dữ dội.
Khu vực phòng khách nhà bà Ẩn xuất hiện chi chít các vết nứt lớn nhỏ kéo dài, có chỗ vết nứt rộng hơn 10 cm. Nền đất sụt lún khiến các mảng tường đứt gãy không còn liên kết giữa tường gạch và trần đổ bê tông phía trên. Một số trụ cột chịu lực của căn nhà cũng bị nứt, để lộ ra các khung sắt bên trong. Cửa ra vào tại các lầu trên cao bị chênh nên không thể mở. Trời mưa, nước theo các vết nứt tạt vào nhà gây hư hại đồ đạc.
“Tường gạch giờ nứt hết. Hai cột chính căn nhà cũng nứt luôn. Ngủ nghe tường kêu rắc rắc không biết tai họa ập xuống lúc nào. Có nhà lầu mà phải ngủ nhà trọ”, bà Ẩn bức xúc.
Các vết nứt tại căn nhà ngày càng lan rộng, mở to hơn, gần đây người nhà bà Ẩn bỏ hơn 40 triệu đồng để mua sắt thép, thuê thợ đến gia cố lại căn nhà.
Tại các vị trí nứt, đứt gãy trên bức tường của căn nhà được thợ đóng khung sắt, bắt ốc vít để chằng kéo, liên kết các bức tường nứt lại với nhau tránh ngã đổ. Gia cố nhà nhưng vẫn không an tâm, bà Ẩn phải ra nhà trọ khi ngủ.
Không chỉ căn nhà lầu của bà Ẩn mà nhà kho và dãy phòng trọ phía sau nhà của gia đình bà cũng bị nứt tường gạch. Tại lối đi vào dãy trọ 18 phòng, mặt đường sụt lún, nhấp nhô rất khó di chuyển. Theo người nhà bà Ẩn, do đường sụt lún đã có trường hợp người thuê trọ ngã xe máy bị gãy tay.
“Một số người thuê trọ cũng đi rồi. Mình cũng có ý định sẽ dọn đi chứ ở mà nhà trọ nứt vầy thấy sợ quá”, chị Phan Thị Tuyết Hạnh (31 tuổi, quê An Giang) – người thuê trọ nhà bà Ẩn – chia sẻ.
Gia đình bà Ẩn cho hay cũng đã làm việc với các bên liên quan để thống nhất phương án giải quyết, xử lý hư hại nhà bà do ảnh hưởng từ việc thi công đóng cọc bờ kè bến Phú Định, thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất được phương hướng giải quyết, xử lý.
Cách nhà bà Ẩn một đoạn, căn nhà cấp 4 có gác lửng ở địa chỉ 49/2A Phú Định (P.16, Q.8) là nơi ở của 8 người với 3 thế hệ của gia đình bà Phạm Thị Nam (68 tuổi). Bên trong hai phòng ngủ của căn nhà, tường gạch với các vết nứt từ trần nhà dọc xuống và kéo ra gần như toàn bộ căn phòng.
Bà Nam nói, khi công nhân đóng cọc làm kè bờ kênh, nhiều nơi cách hiện trường hàng chục mét vẫn cảm nhận được độ rung lắc của mặt đất. Nhà bà nằm sát mặt đường bờ kênh nên khi đóng cọc làm kè tường, nhà bà bị rung lắc như… đưa võng.
Ban đầu, trên tường chỉ xuất hiện vết rạn nhỏ sau đó to dần ra và lan rộng làm tường gạch vỡ, đứt gãy. “Họ nói hỗ trợ đền bù nhưng đến nay chúng tôi có thấy gì đâu. Nhà người đông, kinh tế lại eo hẹp, biết nguy hiểm nhưng đi đâu ở bây giờ. Khi nào có hỗ trợ thì sửa lại nhà chứ biết làm sao”, bà Nam cho hay.
Gia đình bà Nam và bà Ẩn là hai trong số nhiều hộ bị ảnh hưởng do việc thi công đóng cọc làm bờ kè bến Phú Định, khiến nhà bị nứt, sụt lún, người dân vô cùng lo lắng.
43 trường hợp bị ảnh hưởng, bồi thường thế nào?
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND P.16, Q.8, cho biết cả tuyến kè Phú Định hơn 2.600 m. Quá trình thi công chính quyền địa phương ghi nhận có 43 trường hợp bị ảnh hưởng.
Trong đó, nhà thầu đã bồi thường, chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng là 26 trường hợp, còn lại 17 trường hợp. Về kế hoạch tiếp tục chi trả, trước ngày 2.9 sẽ chi trả tiếp cho 6 hộ, trước ngày 15.9, sẽ chi trả cho 9 hộ.
Còn lại 2 hộ, cụ thể hộ nhà bà Nam nhà thầu đang thực hiện kiểm định lần 2. Dự kiến khi cơ quan chức năng kiểm định xong sẽ chuyển sang bồi thường và chi trả trước ngày 20.9.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, cụ thể là hộ bà Ẩn, thời gian qua, chính quyền địa phương đã làm việc, thống nhất với nhà thầu và chủ đầu tư đã đưa ra 3 phương án.
Thứ nhất, nhà thầu sẽ nhận sửa chữa toàn bộ nhà 52 Phú Định. Thứ hai, chủ nhà có thể thuê một đơn vị độc lập, có chức năng kiểm định, lên dự toán sửa chữa thì nhà thầu đồng ý trên giá trị sửa chữa kiểm định độc lập đưa ra. Thứ 3, nhà thầu sẽ thương lượng với chủ nhà sẽ hỗ trợ bằng tiền và gia đình tự sửa chữa.
Cũng theo ông Thuận, vừa qua, nhà thầu có dự toán, có văn bản cam kết dự kiến khoảng 300 triệu đồng để gia đình bà Ẩn tự sửa chữa. “Còn trường hợp bất khả kháng chủ nhà cảm thấy quyền lợi không được đảm bảo có thể kiện ra tòa. Tòa tuyên như thế nào thì nhà thầu chấp hành phán quyết của tòa”, ông Thuận cho biết.
Ông Thuận cho biết, đây là công trình trọng điểm của TP.HCM giai đoạn gấp rút nên nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án theo đúng tiến độ quy định hạng mục hoàn thành thi công trước ngày 31.12.2023. Việc thi công không đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn về nhiều mặt. “Hiện các vị trí khác tuyến kè Phú Định đã làm xong trừ 50 m trước nhà 52 Phú Định. Khu vực này thấp, vào tháng triều cường (tháng 10 âm lịch trở đi) nước từ các cống nước dâng lên gây ngập”, ông Thuận nói.
Liên quan phản ánh của người dân về việc nhà bị ảnh hưởng do đóng cọc thi công bờ kè bến Phú Định, theo số điện thoại ghi trên biển thông tin công trình đặt tại đường Phú Định, chúng tôi gọi cho giám đốc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ qua điện thoại để gặp trao đổi, vị giám đốc cho biết đang đi họp, nên chưa có thông tin từ phía đơn vị này.