Có rất nhiều câu hỏi Thanh Niên muốn trao đổi với Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam xung quanh sự thất bại của phiên đấu giá. Ví dụ như công tác chuẩn bị phiên đấu giá được thực hiện ra sao, hệ thống đường truyền được đầu tư như thế nào, công ty có xây dựng kế hoạch dự phòng hay không, đã có biển số nào được đấu giá thành công chưa, kế hoạch cụ thể về phiên đấu giá tiếp theo là gì… Tuy nhiên, sau khi đọc xong bản thông cáo ngắn gọn, lãnh đạo công ty nhanh chóng rời khỏi phòng họp báo, không trao đổi gì thêm với báo chí.
Trước đó, theo kế hoạch ban đầu, 11 biển số ô tô của 10 tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư được đưa ra đấu giá trong sáng 22.8, gồm: 98A-666.66 (Bắc Giang), 19A-555.55 (Phú Thọ), 30K-555.55 và 30K-567.89 (Hà Nội), 36A-999.99 (Thanh Hóa), 43A-799.99 (Đà Nẵng), 47A-599.99 (Đắk Lắk), 51K-888.88 (TP.HCM), 65A-399.99 (Cần Thơ), 99A-666.66 (Bắc Ninh), 15K-188.88 (Hải Phòng).
Trong quy chế đấu giá do Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam ban hành, cuộc đấu giá biển số ô tô sẽ bị dừng và được tổ chức lại nếu xảy ra lỗi kỹ thuật của trang thông tin đấu giá trực tuyến khiến cho người tham gia đấu giá không thể trả giá được; trả giá hợp lệ nhưng không được hệ thống ghi nhận; ghi nhận sai thời gian trả giá; cuộc đấu giá không bắt đầu được. Việc dừng cuộc đấu giá được ghi nhận bằng biên bản có chữ ký xác nhận của đấu giá viên và cán bộ giám sát đấu giá. Sau khi lỗi hệ thống được khắc phục, cuộc đấu giá biển số ô tô sẽ được tổ chức lại. Công ty sẽ thông báo cho những người đã tham gia đấu giá thời gian tổ chức lại cuộc đấu giá. Trong trường hợp này, người tham gia đấu giá sẽ trả giá lại từ đầu.