Cầm vô lăng đúng tư thế là điều cơ bản để lái xe an toàn, tuy nhiên thực tế trong quá trình lái xe, không ít các tài xế nhất là “tài nữ”, thậm chí cả những người có kinh nghiệm lái xe lâu năm… thường có thói quen ngửa tay cầm vô lăng để xoay khi muốn đánh lái quay đầu, chuyển hướng ô tô.
Thao tác này theo thời gian sẽ trở thành thói quen của nhiều người, tuy nhiên lại khá nguy hiểm khi gặp tình huống bất bất ngờ, thậm chí có thể gây chấn thương nặng cho người lái trong trường hợp xảy ra va chạm, bung túi khí.
Vì sao không nên ngửa tay để cầm vô lăng khi đánh lái?
Có hai lý do không nên ngửa tay để cầm vô lăng khi đánh lái. Thứ nhất việc ngửa tay cầm vô lăng khi đánh lái chuyển hướng hoặc quay đầu xe sẽ khiến cho góc lái bị hạn chế. Người lái khó có thể đánh lái đủ góc do tay bị vắt chéo. Đặc biệt, trong trường hợp bất ngờ, muốn “trả lái” hay chuyển hướng ngược lại sẽ khó có thể thực hiện được, khiến góc lái bị hạn chế, dễ dẫn đến va chạm.
Thứ hai, khi ngửa tay cầm vô lăng đánh lái, sẽ làm cho cẳng tay ở vị trí ngay trên trục vô lăng. Vị trí này thường được nhiều nhà sản xuất ô tô lắp hệ thống túi khí. Nếu không may xảy ra va chạm, tai nạn khiến hệ thống túi khí được kích hoạt và bung ra sẽ khiến người lái dễ bị chấn thương vùng cẳng tay. Do đó, tuyệt đối không nên ngửa tay cầm vô lăng để xoay khi muốn đánh lái quay đầu, chuyển hướng ô tô.
Cầm vô lăng ô tô như thế nào cho đúng?
Theo hướng dẫn của các giảng viên đào tạo lái xe ô tô, để đảm bảo an toàn, tạo tư thế ngồi thoải mái và dễ đánh lái, người lái cần cầm vô lăng đúng vị trí.
Đầu tiên, cầm vô lăng theo kiểu 9 giờ 15 phút (hay 9 giờ, 3 giờ). Để dễ hiểu có thể hình dung mặt vô lăng như mặt đồng hồ kim. Theo đó, vị trí cầm vô lăng sẽ là tay trái đặt ở vị trí 9 giờ, tay phải đặt ở vị trí 3 giờ. Bên cạnh đó, hai ngón cái tỳ lên vành vô lăng, các ngón còn lại nắm hờ phía dưới. Điều này giúp dễ dàng xoay vô lăng khi cần và có thể cảm nhận rõ được phản lực từ mặt đường lên vô lăng.
Cách cầm vô lăng này sẽ giúp người lái dễ dàng điều khiển vô lăng trong bất kỳ tình huống nào như lái xe đi thẳng, cho xe rẽ phải/rẽ trái, quay đầu xe… Nếu xe xảy ra va chạm mạnh, cách cầm vô lăng này còn giúp tạo ra góc rộng nhất để túi khí bung, bảo vệ phần đầu và phần ngực của người lái, tránh trường hợp tổn thương đến tay.
Ngoài ra, khoảng cách từ vai đến vô lăng không được quá xa cũng không nên quá gần. Điều chỉnh sao cho khuỷu tay tạo được một góc khoảng 120 độ. Khoảng cách từ vai đến vô lăng xe khoảng 25 – 30 cm. Tuyệt đối không nên lái xe bằng một tay, đặc biệt là trong khi lưu thông với tốc độ cao.