>> Tồn kho gần 100.000 ô tô, “đại hạ giá” còn kéo dài

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF), 7 thị trường chính ở Đông Nam Á, gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore, Myanmar bán ra tổng cộng hơn 3,35 triệu xe, giảm 2,1% so với 2022.

Xếp vị trí số 1 khu vực là Indonesia với doanh số 1.005.802 xe các loại; thứ 2 là Malaisia với 799.731 xe; thuws3 là Thái Lan với 775.780 xe; thứ 4 là Philippines 429.807 xe; thứ 5 là Việt Nam với 369.431 xe. Việt Nam tụt từ vị trí thứ 4 (năm 2022) xuống thứ 5 trong khu vực. Hai thị trường hàng đầu khu vực là Indonesia và Thái Lan đều giảm doanh số nhẹ, lần lượt 4% và 8,1%, trong khi Việt Nam giảm sâu tới 25%.

Người Việt không chịu mua xe, thị trường ô tô suy giảm sâu nhất Đông Nam Á

Năm 2023 thị trường ô tô Việt Nam suy giảm sâu. (Ảnh minh họa)

Khó khăn của kinh tế vĩ mô, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao, các ngành nghề như bất động sản, chứng khoán gặp khó, khiến nhu cầu mua sắm ô tô của người Việt giảm mạnh. Bất chấp nỗ lực tung ra các mẫu mã mới, cũng như giảm giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ lệ phí trước bạ từ 50% - 100% thì tiêu thụ ô tô tại Việt Nam năm 2023 vẫn sụt giảm sâu.

Mức sụt giảm diễn ra ở tất cả các phân khúc, doanh số bán ô tô thấp hơn so với giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo dài thời gian qua. Hầu hết các thương hiệu lớn đều khó khăn với doanh số bán giảm sâu trong năm 2023. Peugeot giảm 70%; Toyota giảm 37%, Kia giảm 33%, Mitsubishi giảm 22%, Honda giảm 22%... so với năm 2022.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại TP Hồ Chí Minh cho biết, chưa khi nào lại gặp khó khăn như năm 2023 vừa qua. Doanh số bán hàng của công ty giảm gần 30% so với 2022. Lợi nhuận gần như không còn, bởi có bao nhiêu đã chuyển hết thành ưu đãi dành cho khách hàng. “Chúng tôi đã phải giãn sản xuất, giảm giờ làm và cắt giảm lao động. Không chỉ chúng tôi bị ảnh hưởng mà các nhà cung cấp linh kiện trong nước cũng chịu tác động dây chuyền”, ông nói.

Người Việt không chịu mua xe, thị trường ô tô suy giảm sâu nhất Đông Nam Á

Dự báo thị trường ô tô 2024 tiêp tục khó khăn. (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, khi được hỏi đều lắc đầu ngao ngán, bởi sức mua giảm thấp, áp lực hàng tồn kho lớn và gánh nặng chi phí tăng thêm.

Theo các doanh nghiệp, tăng trưởng âm 25% tương đương với mất đi khoảng 100.000 xe, là con số rất lớn, năm ngoài mọi dự báo. Với thị trường ô tô có quy mô trung bình như Việt Nam, mất đi 100.000 xe, trong đó có gần 70.000 xe sản xuất lắp ráp trong nước, đủ thấy khó khăn như thế nào. Doanh số sụt giảm thì nguồn thu ngân sách từ thuế, phí cũng giảm mạnh. Không những thế các doanh nghiệp cung cấp linh kiện cũng bị ảnh hưởng, phải giảm sản lượng và tác động xấu tới ngành công nghiệp hỗ trợ.

Sau hàng chục năm phát triển, mãi đến năm 2022 thị trường ô tô Việt Nam mới vượt ngưỡng 500.000 xe các loại, vươn lên quy mô trung bình. Tuy nhiên, đến 2023 lại giật lùi trở về thời điểm 2020.

Dự báo, khó khăn của ngành ô tô Việt Nam sẽ còn kéo tới nửa đầu năm 2024. Tăng trưởng cả năm chỉ khoảng 10% so với 2023. Như vậy quy mô thị trường ước đạt khoảng 450.000 xe tất cả, vẫn thấp xa so với “đỉnh cao” 2022.